Úc phát triển thiết bị cấy ghép tim đột phá, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân suy tim

  •  
  • 179

Đại học Monash (Úc) sẽ dẫn đầu một chương trình nghiên cứu nhằm phát triển và thương mại hóa bộ thiết bị tim cấy ghép mang tính cách mạng, giúp thay đổi cuộc sống cho các bệnh nhân mắc bệnh suy tim nặng.

Tim nhân tạo hoàn toàn BiVACOR (TAH)
Tim nhân tạo hoàn toàn BiVACOR (TAH).

Bộ trưởng Bộ Y tế và Chăm sóc Người cao tuổi Úc, Mark Butler, vừa công bố khoản tài trợ trị giá 50 triệu AUD (tương đương hơn 800 tỷ VNĐ) từ Quỹ Nghiên cứu Y tế Tương lai (MRFF) cho Chương trình Nghiên cứu Tim Nhân tạo (AHFP) do Đại học Monash dẫn đầu.

Đặt trụ sở tại Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Monash Alfred Baker tại The Alfred, AHFP là sáng kiến nhằm mục đích phát triển và thương mại hóa ba thiết bị cấy ghép bao gồm một máy bơm mini, một thiết bị hỗ trợ tâm thất và một trái tim nhân tạo toàn phần - thứ có thể thay thế toàn bộ trái tim người.

Các thiết bị này nhắm đến việc điều trị các dạng suy tim phổ biến nhất, hứa hẹn sẽ giúp giảm một nửa số ca tử vong do suy tim gây ra ở Úc.


Đại học Monash (Úc) vừa được Quỹ Nghiên cứu Y tế Tương lai trao tặng 50 triệu AUD để phát triển các thiết bị cấy ghép tim mới nhằm thay đổi cuộc sống cho những người bị suy tim nặng.

Ba thiết bị cấy ghép tim đột phá mà Đại học Monash sẽ phát triển bao gồm:

  • Máy bơm mini: một thiết bị thu nhỏ được cấy vào những bệnh nhân có ít lựa chọn điều trị cho các triệu chứng suy tim, đặc biệt là những bệnh nhân có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF). Với khả năng giải phóng tâm nhĩ trái và giảm áp lực phổi, chiếc máy bơm mini này cung cấp một giải pháp độc nhất cho HFpEF, giải quyết một phần đáng kể các trường hợp suy tim mà không có lựa chọn điều trị nào khác.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái mới (LVAD): Một thiết bị cải tiến được cấy ghép cùng với tim tự nhiên để hỗ trợ chức năng bơm máu.
  • Tim nhân tạo hoàn toàn BiVACOR (TAH): là một thiết bị tiên tiến được thiết kế để thay thế hoàn toàn trái tim tự nhiên bị suy yếu.

Thiết bị này được áp dụng công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm hệ thống thủy lực được tối ưu hóa hỗ trợ cả hai bên tim, lực đẩy từ trường mạnh mẽ (MAGLEV) giúp tăng cường độ bền và khả năng tương thích sinh học cũng như điều chỉnh dòng chảy tự động phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân mà không cần người dùng can thiệp.

Ngoài ra, nó còn đóng vai trò là công nghệ nền tảng cho các thiết bị LVAD tiên tiến.

Ba thiết bị này kết hợp các công nghệ mang tính cách mạng cho phép bắt chước các chức năng của trái tim tự nhiên, tự động đáp ứng nhu cầu sinh lý của cơ thể. Tiến bộ này đánh dấu sự cải tiến đáng kể so với các thiết bị hiện tại, vốn hoạt động với tốc độ dòng máu cố định, gây ra hạn chế đối với hoạt động thể chất của bệnh nhân.

Giáo sư David Kaye - Giám đốc Tim mạch tại The Alfred, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Monash Alfred Baker, đồng thời là trưởng dự án chia sẻ: "Khả năng sống sót trung bình của bệnh nhân suy tim tương đương với một số bệnh ung thư, chỉ ở mức 5 năm và thậm chí còn ít hơn đối với những bệnh nhân bị suy tim tiến triển. Những bệnh nhân này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các thiết bị mà chúng tôi phát triển.

Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng phương pháp cung cấp phản ứng sinh lý một cách tự động cho thiết bị tim cấy ghép, nhờ đó cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, cho phép họ thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà không bị hụt hơi".

Giáo sư David Kaye - Giám đốc Tim mạch tại The Alfred
Giáo sư David Kaye - Giám đốc Tim mạch tại The Alfred, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Monash Alfred Baker (giữa).

Những tiến bộ công nghệ đang được AHFP phát triển không chỉ giới hạn ở ba thiết bị kể trên mà đã bắt đầu trên một loạt các thiết bị bên ngoài như: bộ điều khiển đeo được, đường truyền động chống nhiễm trùng, cố vấn thông minh cho bác sĩ lâm sàng, ứng dụng điện thoại di động và trang web cho bệnh nhân, cổng thông tin phản hồi trực tuyến dành cho bác sĩ lâm sàng, thiết bị đeo có thể tùy chỉnh cho bệnh nhân, các công cụ phẫu thuật nâng cao cũng như các nền tảng đào tạo lâm sàng cho bác sĩ phẫu thuật.

Các thử nghiệm lâm sàng cho bộ ba thiết bị này sẽ sớm được tiến hành tại các bệnh viện hàng đầu của Úc. Theo đó, Tim nhân tạo hoàn toàn BiVACOR (TAH) dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2025, tiếp theo là Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái mới (LVAD) vào năm 2029 và máy bơm mini vào năm 2031.

Dự kiến đến năm 2036, dự án sẽ tạo ra 1,8 tỷ AUD cho Úc và xã hội Úc, bao gồm các khoản tiết kiệm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, mở rộng ngành công nghiệp địa phương trong nghiên cứu và sản xuất, tạo ra hơn 2.000 việc làm và giúp người Úc sớm tiếp cận các thử nghiệm lâm sàng và các công nghệ cứu sinh mới.

Cập nhật: 24/02/2024 PNVN
  • 179