Vì sao quân lính thời phong kiến không được phép ăn no trên chiến trường?

  •  
  • 1.422

Nhiều bộ phim lấy đề tài cổ trang sẽ quay những cảnh chiến tranh quy mô lớn vừa nhằm phục vụ cho nội dung phim vừa giúp khán giả hiểu được quy mô chiến tranh thời phong kiến.

Ở thời phong kiến cổ đại, để mở rộng lãnh thổ và tranh giành quyền lợi và ngăn chặn sự xâm lược của ngoại bang, các vị hoàng đế cổ đại đã không ngần ngại phát động chiến tranh, việc đưa nhiều binh lính ra chiến trường chiến đấu là thực sự cần thiết.

Trên chiến trường, binh lính và lương thực là vấn đề quan trọng nhất. Người xưa vốn có câu "có thực mới vực được đạo" nhằm nói lên tầm quan trọng của vấn đề ăn uống. Phải ăn uống đầy đủ mới có sức khỏe, sau đó mới tầm sư học đạo được. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, quân đội thời cổ đại có một quy định bất thành văn, đó là binh lính khi chiến đấu không được phép ăn no. Đằng sau quy tắc này có nhiều lý do rất thực tế.

Nếu binh lính đều ăn no rất có thể sau này sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực.
Nếu binh lính đều ăn no rất có thể sau này sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực. (Ảnh minh họa: Internet).

Theo Sohu.com, nguyên nhân chính khiến binh lính không được cung cấp lương thực trong các cuộc hành quân và chiến tranh thời xưa là năng suất sản xuất lương thực thấp, sản lượng ngũ cốc hàng năm không nhiều. Nếu muốn toàn bộ binh lính được ăn no, e rằng nguồn lương thực sẽ không đủ trước khi chiến tranh bắt đầu.

Mỗi lần ra trận quân đội sẽ gửi rất nhiều binh lính, chiến tranh thường kéo dài vài tháng trời. Do đó, khẩu phần ăn luôn là vấn đề được lưu tâm hàng đầu. Nếu tất cả các binh linh đều được ăn no, rất có thể sau này sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực, binh lính không những không có gì để ăn mà thậm chí còn có thể bị tâm lý hoảng loạn. Việc thiếu lương thực cũng khiến tinh thần binh lính bị ảnh hưởng, sa sút thậm chí rơi vào lo lắng vì thiếu ăn.

Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình chiến đấu chúng ta phải luôn cảnh giác, khi ăn no thường cảm thấy buồn ngủ, quân lính nếu ăn uống đủ sẽ dễ trở nên buông lỏng, lười biếng hơn. Ngoài ra, ăn quá no cũng sẽ gây ra bất tiện trong quá trình di chuyển.

Liên quan đến việc ăn uống của binh lính trong chiến tranh thời phong kiến cũng có chuyện một tướng quân cấm binh lính không được ăn thịt dê. Lý do đằng sau vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi.

Chuyện kể về Bạch Khởi - một trong bốn vị tướng nổi tiếng thời Chiến Quốc, đã phục vụ nước Tần và có nhiều thành tích vĩ đại. Ông chưa bao giờ thua trong hơn bảy mươi trận chiến và giúp vua Tần chinh phục một nửa đất nước. Nổi tiếng nhất là trận Trường Bình, vì nước Tần lúc bấy giờ nằm ở vùng Tây Bắc nên binh lính thường thích ăn thịt bò, thịt dê để thỏa mãn cơn đói, đặc biệt là trong thời tiết lạnh giá ở miền Bắc. Việc này sẽ giúp họ có thêm sức lực chiến đấu. Tuy nhiên, Bạch Khởi lại ra lệnh cho quân đội cấm ăn thịt dê, khiến binh lính cảm thấy rất kinh ngạc.

 Ăn no thường cảm thấy buồn ngủ, quân lính dễ trở nên buông lỏng.
Ăn no thường cảm thấy buồn ngủ, quân lính dễ trở nên buông lỏng. (Ảnh minh họa: Internet).

Vào thời kỳ sau của trận Trường Bình, Bạch Khởi lên nhiều kế hoạch tấn công bất ngờ. Ngoài việc cấm binh lính ăn thịt dê, không được phép đốt lửa để nấu ăn mà chỉ được ăn đồ ăn nguội. Dù có bất mãn và tức giận nhưng các binh lính cũng không dám lên tiếng mà chỉ biết tuân lệnh. Tuy nhiên, một số binh sĩ quyết định không nghe lời, đêm xuống bèn đốt lửa và nấu thịt dê ăn. Do mùi đồ ăn quá thơm và tiếng động lớn đã đánh thức nhiều người lính khác. Họ ngay lập tức đổ xô đến tranh nhau ăn thịt dê.

Ngay khi mọi người đang thưởng thức bữa ăn, Bạch Khởi bước ra từ lều trại mắng lớn: "Các ngươi sao lại dám vi phạm quân lệnh, lôi ra ngoài đánh mỗi người 30 gậy". Trong lúc các binh lính vẫn còn mơ hồ chưa hiểu sự việc. Bạch Khởi thẳng thừng nói: "Thịt dê có mùi rất thơm, tối lại không có gió, cách xa 50 bước cũng có thể ngửi thấy mùi thịt dê nướng. Nếu có gió, mùi thịt dê sẽ còn bay xa hơn. Nếu tất cả binh lính đều ăn thịt dê chẳng khác nào nói cho địch biết chúng ta đang ở đâu. Làm sao chúng ta có thể chiến đấu trong một trận phục kích như thế này?".

Những người lính nghe xong chợt nhận ra, vội vàng vứt hết thịt dê. Sau sự việc này, toàn quân thực hiện nghiêm chỉnh “lệnh cấm thịt dê”. Nhờ đó mà cuối cùng Bạch Khởi đã dẫn quân Tần giành được thắng lợi trong trận Trường Bình.

Cập nhật: 20/01/2024 VH&PT
  • 1.422