Việt Nam sắp ghép được mặt, ruột, tử cung

  •  
  • 455

Ghép tứ chi, ghép mặt và ghép tử cung, ghép phổi tạo bước đi mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.

Chia sẻ với PV ngày 20/6, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia chia sẻ một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng.

“Ca ghép phổi cho người lớn sẽ được Bệnh viện Việt Đức thực hiện vào tháng 9/2017. Bệnh viện cũng sẵn sàng cho việc ghép chi thể, ghép mặt và ghép tử cung”, GS. Trịnh Hồng Sơn cho hay.

Đối với ca ghép phổi, bệnh nhân dự kiến được ghép phổi là một người đàn ông bị bệnh lý về phổi, luôn phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.

GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.
GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.

GS. Trịnh Hồng Sơn cho rằng, ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên nên sẽ rất nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Người bị bệnh phổi nặng dù phải cần tới sự hỗ trợ thở ô xy, nhưng để thuyết phục họ ghép phổi không dễ. Chưa kể, ghép phổi là loại ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất và hồi sức sau ghép cũng vô cùng nhiều thách thức. Hơn nữa, ca ghép không phải là đề tài Nhà nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Tuy nhiên, hiện nay, Bệnh viện đã chuẩn bị kỹ càng cho ca ghép từ nguồn ghép, người nhận, phẫu thuật viên, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bàn mổ.

“Nếu ngay bây giờ có người cho chết não hiến phổi, chúng tôi cũng đã có thể thực hiện ghép luôn mà không chờ đến tháng 9 như kế hoạch” - GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định.

Từ những thành công trong lĩnh vực ghép tạng, đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức cũng sẵn sàng cho các lĩnh vực ghép mới như ghép tử cung, ghép tứ chi, ghép mặt.

Việc ghép tử cung sẽ tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ được thực hiện thiên chức làm mẹ. Lâu nay, có rất nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung, hay bị dị dạng tử cung, nên không thể có con. Nếu Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép tử cung, những người phụ nữ này hoàn toàn có thể sinh nở như những người phụ nữ bình thường. Đây cũng là một mục tiêu rất nhân văn của lĩnh vực ghép tạng.

GS Sơn cũng cho biết, ông sẽ sớm thực hiện ghép tứ chi, ghép ruột và ghép mặt. Ghép mặt được đánh giá là phương thức đơn giản hơn, giống như tạo hình khuôn mặt. Ghép ruột là vấn đề thách thức về nguồn tạng.

Theo GS Sơn, khó khăn nhất là ghép tứ chi vì chỉ có duy nhất nguồn hiến là từ người cho chết não. Trong khi, người Việt Nam luôn có quan niệm phải toàn thây khi mai táng nên để vận động gia đình người chết não hiến chi rất khó khăn.

Về mặt kỹ thuật thì các chuyên gia không lo ngại vì thực tế việc ghép tứ chi tự thân cho những người không may bị đứt tứ chi cũng đã được thực hiện rất nhiều và rất thành công.

Cập nhật: 21/06/2017 Theo Dân Việt
  • 455