Xác ướp chính là nguyên nhân khiến nhiều cư dân Ai Cập cổ đại nhiễm ký sinh trùng

Xác ướp Ai Cập chứa đầy mầm bệnh và ký sinh trùng
  •  
  • 225

Các cư dân Ai Cập cổ đại bị nhiễm nhiều ký sinh trùng gây bệnh thiếu máu và chứng bệnh gây suy yếu sức khỏe khác.

Theo phân tích mới trên xác ướp Ai Cập công bố trong loạt sách Advances in Parasitology, khoảng 2/3 số xác ướp mang những loại mầm bệnh khác nhau, trong đó 22% là bệnh sốt rét và 40% là chấy rận, IFL Science hôm 8/3 đưa tin. Ví dụ, ở Thung lũng các vị vua, 4 trên 16 xác ướp được kiểm tra ký sinh trùng Plasmodium falciparum chịu trách nhiệm gây ra một dạng sốt rét nguy hiểm, cho kết quả dương tính. Một trong số đó là vua Tutankhamun. Vị pharaoh mắc hai chủng sốt rét khác nhau dù cái chết của ông có thể do ngã xe ngựa.

Sông Nile có thể là nguồn lây ký sinh trùng cho người Ai Cập cổ đại
Sông Nile có thể là nguồn lây ký sinh trùng cho người Ai Cập cổ đại. (Ảnh: Jaroslav Moravcik).

Theo tác giả nghiên cứu là Piers D. Mitchell ở Đại học Cambridge, 49 trên số 221 xác ướp Ai Cập được phân tích để kiểm tra khả năng mắc sốt rét đều dương tính. Mitchell và cộng sự suy đoán sốt rét ảnh hưởng lớn tới số ca tử vong ở trẻ em và bệnh thiếu máu ở tất cả dân cư sống dọc sông Nile. Trên thực tế, 92% xác ướp mắc bệnh sốt rét có xương xốp và nhiều dấu hiệu thiếu máu với đặc trưng là số lượng tế bào hồng cầu giảm. Gánh nặng bệnh tật như vậy chắc chắn gây ra hệ quả to lớn đối với thể lực và năng suất của lượng lớn người lao động.

Những loại ký sinh trùng khác được phát hiện ở xác ướp Ai Cập cổ đại bao gồm mầm bệnh toxoplasmosis liên quan tới bệnh tâm thần phân liệt. Theo nhóm nghiên cứu, con người có thể nhiễm toxoplasmosis khi tiếp xúc gần với mèo. Do vai trò làm vật cúng tế, mèo thường được ướp xác và dùng trong các nghi thức. Mitchell cũng ước tính khoảng 10% xác ướp dương tính với bệnh leishmaniasis gắn liền với thiếu máu và gây tử vong ở 95% ca bệnh không được điều trị. Ký sinh trùng trong dạ dày như sán dây cá cũng được phát hiện ở hai xác ướp, có thể do ăn cá chưa nấu chín từ sông Nile.

Bệnh giun xoắn được ghi nhận ở cơ ngực của xác ướp mang tên Nakht, là thợ dệt trong nhà thờ hoàng tộc ở Thebes. Thường lây nhiễm qua thịt lợn chưa nấu chín, loài giun nhỏ này làm tổ bên trong mô cơ, có thể gây tử vong nếu tiến vào tim. Nakht cũng có giun sán ở cả mạch máu và đường tiết niệu. Giống như 65% xác ướp trong nghiên cứu, ông còn mắc bệnh do sán máng ký sinh. Một xác ướp khác ở Bảo tàng Manchester thậm chí có giun sán ở não. Khoảng 40% trong số 218 xác ướp bị nhiễm chấy.

Lý giải về tỷ lệ nhiễm bệnh cao, Mitchell nghi ngờ sông Nile đóng vai trò như nguồn lây ký sinh trùng nhiệt đới trong nước, thường không gặp ở các vùng khô hạn. Do đó, muỗi mang mầm bệnh sốt rét và nhiều bệnh có hại khác phát triển mạnh ở Ai Cập cổ đại dù lượng mưa thấp.

Tuy nhiên, sông Nile cũng giúp đất đai nông nghiệp trở nên màu mỡ nhờ phù sa trong mùa lũ hàng năm. Kết quả là nông dân không cần dùng phân bón. Điều đó có thể giải thích tại sao các xác ướp Ai Cập cổ đại có tỷ lệ giun tóc và giun đũa thấp, vốn phổ biến ở vùng Trung Đông và Địa Trung Hải.

Cập nhật: 11/03/2024 VnExpress
  • 225