Xử trí bệnh nấm da thường gặp

  •   3,33
  • 29.482

Nấm da là bệnh thường gặp trong các bệnh ngoài da, bệnh không gây chết người nhưng rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và năng suất lao động. Điều trị bệnh dai dẳng và hay tái phát, thậm chí gây lo lắng cho người bệnh.

Một số thể nấm hay gặp

Lang ben

(Ảnh: carryingcapacity)

Nấm ở thân, thương tổn khu trú ở vùng da nhẵn (không có lông dài và tóc). Có những mảng da đỏ, giới hạn rõ, có mụn nước và vảy da, có xu hướng ở giữa lan ra ngoại vi. Nền vùng trung tâm sẫm màu, bong vảy nhẹ, mụn nước sắp xếp ở bờ thương tổn.

Nấm bẹn: Thương tổn là những mảng hình tròn hoặc nhiều vòng cung có giới hạn rất rõ. Trung tâm màu nâu có vảy nhẹ ngoài bờ thương tổn. Từ một bên bẹn, có thể phát triển cả ở bên đối xứng, lan đến xương mu, hai bên đùi, kẽ mông, quanh thắt lưng và dưới vú.

Nấm ở chân: Rất phổ biến ở vận động viên bơi lội, người làm việc ở hầm mỏ, người thường xuyên đi giày kín. Bệnh lây ở các nhà tắm công cộng, các bể bơi hoặc lây do dùng chung giày, tất, ủng. Bệnh thường gặp ở người ra mồ hôi chân và các ngón chân khép kín. Có thể biểu hiện bằng bong vảy lòng bàn chân thành những đám nhỏ hoặc thành mảng lớn. Có khi bệnh xuất hiện kẽ thứ ba của các ngón chân. Da kẽ chân mủn trắng. Dưới lớp da mủn là nền da đỏ ướt. Hoặc có khi ở rìa bàn chân, lòng bàn chân có những mụn nước sâu, tập trung thành đám thường gọi là tổ đỉa.

Nấm móng: Khởi đầu thương tổn ở bờ tự do hoặc hai bên của móng, sau lan vào trong móng. Trên bề mặt của móng, chấm trắng rỗ hoặc có những đường rãnh lớn. Móng dần dần trở nên dày, dễ mủn, màu nâu bẩn.

Lang ben: Tổn thương thường ở lớp sừng của thượng bì. Có những dát màu cà phê sữa, màu vàng nhạt hoặc màu đỏ. Trên bề mặt thương tổn, có những vảy nhỏ, cạo bong ra dễ dàng. Kích thước của các dát thay đổi từ đốm nhỏ đến những mảng lớn có bờ nham nhở như bản đồ, thường khu trú ở cổ, ngực, lưng, phía trong cánh tay, có thể lan ra bụng và mặt trong đùi.

Cách xử trí bệnh nấm da như thế nào?

Tại chỗ: Trước đây hay bôi dung dịch ASA, nhược điểm thường gây xót và rát khi bôi. Hiện nay có nhiều thuốc bôi chống nấm mới như kem fazol, clotrimazol, ketoconazol, tiôcnazol (trosyd), tiện lợi và không gây xót, rát. Nếu thương tổn ở giai đoạn cấp hoặc bị chàm hóa, thì làm dịu da bằng dung dịch jarish hoặc nitrat bạc 0,25%, sau đó mới bôi thuốc chống nấm. Tuyệt đối không dùng vật cứng cạo thương tổn. Không tắm, rửa tổn thương bằng xà phòng. Quần áo, nhất là quần áo lót, phải đun sôi. Để đề phòng tái phát, cần tiếp tục bôi thuốc chống nấm trong vòng 1-2 tuần sau khi bề mặt tổn thương đã khỏi. Xoa bột chống nấm vào các kẽ da, rắc vào giày, tất.

Đối với nấm móng, nếu chỉ một phần móng bị thương tổn, có thể dùng giũa làm mất phần móng bị bệnh và một phần móng lành. Nếu toàn bộ móng bị bệnh, nên bóc móng bằng đắp thuốc làm mềm móng và rút móng nhẹ nhàng không làm thương tổn nền móng. Bôi thuốc chống nấm sau khi giũa hoặc bóc móng.

Toàn thân: Dùng kháng sinh uống chống nấm (bếu bệnh lan rộng hoặc nhiều móng bị thương tổn).

Đối với nấm móng, dùng griseofulvin 125mg x 4 viên/ngày, dùng trong tháng đầu; cách ngày trong tháng thứ 2 và mỗi tuần hai lần trong tháng thứ 3.

Hoặc ketoconazol 200mg/ngày, dùng trong 3-4 tuần. Đối với các loại nấm da khác, tùy theo trường hợp, uống griseofulvin liều 10mg/kg thể trọng/ngày, trong 4-6 tuần; hoặc uống ketoconazol 200mg/ngày, dùng trong 2-3 tuần.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan

Theo Sức khỏe đời sống, Nhân dân
  • 3,33
  • 29.482