Xuất hiện "đứa con của Big Bang" cách địa cầu 33 tỉ năm ánh sáng

  •   52
  • 1.051

Nhờ sự giúp sức của cụm thiên hà "quái vật" Pandora, kính viễn vọng không gian James Webb đã ghi lại được hình ảnh của 2 thiên hà cách địa cầu đến 33 tỉ năm ánh sáng.

Cho dù là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới, "chiến thần" James Webb do NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu, Canada) đồng điều hành cũng không có tầm quan sát xa đến thế.

Tuy nhiên bằng cách quan sát xuyên qua Cụm Pandora, hay còn gọi là Abell 2744, cụm thiên hà khổng lồ cách địa cầu 3,5 tỉ năm ánh sáng, các nhà thiên văn từ bang Pennsylvania - Mỹ) đã tìm ra điều kỳ diệu.

UNCOVER-z12 và UNCOVER-z13 là 2 thiên hà cổ đại vừa được tìm thấy
UNCOVER-z12 và UNCOVER-z13 là 2 thiên hà cổ đại vừa được tìm thấy nhờ sự giúp sức của Cụm Pandora.

Hai thiên hà cổ đại một cái được mô tả là như hạt đậu phộng, một cái được mô tả như quả bóng bằng bông, có tuổi đời gần ba lần Trái đất.

Chúng chính là đại diện của lớp thiên hà cổ xưa nhất, những "đứa con của Big Bang", với ánh sáng bùng lên xuyên qua lớp khí hydro rất mỏng tạo nên vũ trụ sơ khai.

Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao những vật thể cách xa Trái đất tận 33 tỉ năm ánh sáng này có hình dạng khác nhau dù được làm từ vật liệu giống nhau của một vũ trụ sơ sinh còn nghèo nàn về mặt hóa học.

Chúng cũng có màu đỏ máu ma quái, thứ được tạo nên do hiện tượng "dịch chuyển đỏ": Ban đầu các thiên hà này không cách xa địa cầu đến vậy, nhưng vũ trụ đã đẩy chúng ra xa trong quá trình giãn nở,

Màu đỏ được tạo ra như hệ quả của hiệu ứng Doppler, khi các vạch phổ trong phần ánh sáng biểu kiến chuyển dịch về phía phổ đỏ do tần số sóng điện từ giảm xuống trong cuộc "bỏ chạy này". Vật thể càng đỏ chứng tỏ chúng chạy khỏi chúng ta càng nhanh, càng xa.

Chỉ có 3 thiên hà từng được phát hiện ở nơi xa xôi tương tự, nhưng 2 thiên hà mới tìm thấy này thực sự đáng chú ý bởi chúng to hơn rất nhiều. Vì sao thiên hà khổng lồ hình thành được khi vũ trụ chỉ mới khởi đầu vẫn là một bí ẩn.

Còn nguyên nhân James Webb có thể ghi lại hình ảnh của chúng khi đã bỏ chạy xa đến thế chính là nhờ Cụm Pandora đóng vai trò "thấu kính hấp dẫn".

Đó là khi một thứ gì đó cực lớn, lực hấp dẫn cực mạnh chắn ngang đường quan sát từ phía Trái đất đến một vật thể rất xa xôi. Lực hấp dẫn này đã bẻ cong không - thời gian, khiến ánh sáng đi qua nó giống như đi qua một chiếc kính lúp, từ đó vật thể ở xa hơn được phóng to lên.

Cập nhật: 17/11/2023 NLĐ
  • 52
  • 1.051