10/11/1970 - Xe tự hành Lunokhod-1 của Liên Xô được phóng lên vũ trụ

  •  
  • 584

Ngày 10/11/1970, tàu vũ trụ Luna 17 của Liên Xô đã đưa xe tự hành Lunokhod-1 lên bề mặt Mặt trăng. 11 tháng sau đó, dưới sự điều khiển của một nhóm kỹ thuật viên ở Moscow, Lunokhod-1 đã khám phá được 12km trên bề mặt Mặt trăng, gửi về Trái đất nhiều dữ liệu. Đây được coi là một trong những thành công lớn nhất của chương trình thám hiểm Mặt trăng của Liên Xô. Tuy nhiên sau đó, Lunokhod-1 bỗng dưng biến mất và không có bất kỳ thông tin nào được gửi về.

10/11/1970 - Phóng xe tự hành thám hiểm mặt trăng Lunokhod-1

NASA từng nỗ lực định vị Lunokhod-1. Phải đến đầu năm 2010, tọa độ chính xác mới được xác định. Điều đáng ngạc nhiên là chiếc xe bộ hành này đã bắt được tín hiệu của NASA và gửi tín hiệu phản hồi tới đài quan sát một cách rõ ràng và sắc nét. Sau khi Lunokhod-1 được đưa lên Mặt Trăng, Lunokhod-2 cũng tiếp bước vào năm 1973. Chiếc máy thăm dò thứ hai này vẫn thường xuyên gửi dữ liệu cho các nghiên cứu trên Trái Đất. So với đàn em, Lunokhod-1 gửi về những tín hiệu mạnh mẽ hơn.

10/11/1970 - Xe tự hành Lunokhod-1 của Liên Xô được phóng lên vũ trụ
Xe tự hành Lunokhod-1.

“Tín hiệu tốt nhất mà chúng tôi nhận được từ Lunokhod-2 trong 7 năm hoạt động là 750 photon nhưng chúng tôi lại nhận được những 2.000 photon từ Lunokhod-1 sau khi bắt liên lạc lại với máy thăm dò này. Có vẻ như Lunokhod-1 có rất nhiều điều muốn nói sau 40 năm im lặng”, Tom Murphy, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Trường hợp của Lunokhod 1 sẽ được NASA nghiên cứu, tìm hiểu để tăng hiệu quả của các máy thăm dò. Thông thường, các máy thăm dò hoạt động yếu đi sau khoảng 10 năm được đưa lên Mặt Trăng.

Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, các sứ mệnh vũ trụ được chuẩn bị trong chế độ tối mật. Đề án Lunokhod cũng vậy. Không ai đoán được rằng, đằng sau hàng rào cao xung quanh bãi thử bố trí trên bán đảo Krym, chiếc xe tự hành đang thực tập vượt qua những chướng ngại. Không ai biết về những cuộc thử nghiệm trên bán đảo Kamchatka, nơi cảnh quan rất giống bề mặt Mặt Trăng. Ngày tháng xuất phát cũng giữ bí mật. Bản thông cáo chính thức chỉ nói về việc phóng trạm vũ trụ “Luna-17”.

10/11/1970 - Xe tự hành Lunokhod-1 của Liên Xô được phóng lên vũ trụ

Và chỉ sau khi trạm “Luna-17” hạ cánh an toàn tại khu vực Biển Mưa trên Mặt Trăng và chiếc xe tự hành nặng 840 kg tách ra khỏi trạm, thì toàn thế giới mới được biết về Lunokhod. Sau đây là lời kể của ông Vikenty Samal, kỹ thuật viên từng điều khiển Lunokhod-1: “Theo kế hoạch, xe tự hành phải đo đạc địa hình và nghiên cứu hình thái địa chất trên Mặt Trăng. Nhờ thiết bị này đã phân tích được thành phần mẫu đất đá và tình hình phóng xạ trên bề mặt Mặt Trăng, đã nghiên cứu tia vũ trụ và thực hiện cuộc thí nghiệm định vị trên Mặt Trăng với thiết bị laser”.

Nhóm chuyên viên điều khiển xe tự hành gồm 5 người. Họ đã theo dõi phong cảnh Mặt Trăng trên màn hình TV. Hoạt động này thật khác thường. Phải chờ 2,5 giây để động thái ra lệnh chuyển đến Mặt Trăng và trở về mặt đất.

10/11/1970 - Xe tự hành Lunokhod-1 của Liên Xô được phóng lên vũ trụ
Chuyên viên điều khiển xe tự hành theo dõi phong cảnh Mặt Trăng trên màn hình TV.

Các tay lái đã hướng dẫn xe tự hành trong thời gian 322 ngày, sau đó liên lạc bị cắt đứt và những cố gắng khôi phục sự giao tiếp đã không mang lại kết quả. Trong thời gian đó, Lunokhod-1 đã đi được quãng đường 10,5km, gửi về Trái Đất 20.000 bức ảnh TV và thực hiện được 500 lần thử nghiệm các mẫu đất đá của mặt trăng. Năm 1973, xe tự hành Lunokhod-2 đã kế tiếp sứ mệnh này.

Trong thời gian 4 tháng làm việc trên vệ tinh của Trái đất, Lunokhod-2 đi được 37km trên bề mặt Mặt Trăng, gửi về Trái Đất tổng cộng khoảng 80.000 bức ảnh TV. Bí ẩn chính của các xe Lunokhod được giải mã sau mấy chục năm. Các xe tự hành đã được thiết kế chế tạo để hỗ trợ cho đoàn thám hiểm chinh phục Mặt Trăng. Chuyên viên Vikenty Samal nói tiếp: “Trước đây đã có kế hoạch: tàu vũ trụ có người lái hạ cánh trên Mặt Trăng và bên cạnh đó là nơi hạ cánh của tàu dự bị. Nếu có trục trặc, thì nhà du hành vũ trụ có thể dùng xe tự hành để chuyển đến con tàu khác”.

10/11/1970 - Xe tự hành Lunokhod-1 của Liên Xô được phóng lên vũ trụ

Song, hồi những năm 70, ban lãnh đạo Liên Xô ra lệnh tập trung nghiên cứu sao Hoả nên đã bãi bỏ chương trình nghiên cứu Mặt Trăng bằng các trạm vũ trụ, và chiếc Lunokhod-3 đáng lẽ phải bay tới Mặt Trăng trong năm 1977 đã ở lại trên mặt đất. Rất có thể, chính chiếc xe tự hành thứ ba được dành để chuyên chở phi hành gia trên Mặt Trăng.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 584