10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất năm 2012

  •  
  • 3.619

Tạp chí National Geographic (Mỹ) vừa giới thiệu top 10 ảnh khoa học được xem nhiều nhất trong năm 2012, trong đó có ảnh tắc kè hoa nhỏ nhất thế giới, ảnh nhện giăng trắng vùng lũ...
Xin giới thiệu đến bạn đọc top 10 ảnh này (xếp theo thứ tự từ dưới lên):

10. Bộ xương “ma cà rồng”

Bộ xương “ma cà rồng”

Một bộ xương “ma cà rồng” 700 năm tuổi bị một thanh sắt đâm xuyên qua ngực - bị chôn vùi trong đống đổ nát nhà thờ ở thị trấn Sozopol nằm trên bờ biển Đen thuộc phía nam Bulgaria - được các nhà khảo cổ khai quật và hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia từ tháng 6/2012.

Theo tục lệ vào thời Trung Cổ, những người bị xem là xấu sau khi chết sẽ bị xuyên qua ngực bằng một thanh sắt để họ không thể trở thành “ma cà rồng”.

9. Nhện giăng trắng vùng lũ

Nhện giăng trắng vùng lũ

Tựa như một cơn ác mộng, bầy nhện giăng tơ phủ kín cây cỏ khi lũ lụt tàn phá một vùng rộng lớn ở gần thành phố Wagga Wagga, New South Wales (Úc). Trong tháng 3/2012, sau gần một tuần mưa đạt mức kỷ lục, nước lũ dâng cao gây ngập khắp miền đông nước Úc buộc ít nhất 13.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khiến lũ nhện phải ồ ạt di cư khỏi mặt đất.

8. NASA khẳng định không có ngày tận thế theo lịch của người Maya

NASA khẳng định không có ngày tận thế theo lịch của người Maya

Ngày tận thế được đồn thổi là ngày 21/12/2012 theo lịch cổ của người Maya. Một số lời tiên tri về ngày tận thế là Trái đất sẽ đổi cực trong năm 2012, Trái đất sẽ bị một tiểu hành tinh đâm vào, hố đen sẽ nuốt chửng Trái đất hay sự bùng nổ của Mặt trời: những bức xạ có hại có thể tiêu diệt mọi sự sống trên Trái đất. Nhưng những nghiên cứu gần đây của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định không có chuyện đó xảy ra và sẽ không có vụ va chạm nào giữa Trái đất với hành tinh khác.

7. Bãi biển phát sáng

Trong một nghiên cứu hồi tháng 3/2012, các nhà khoa học ĐH Harvard (Mỹ) đã giải thích hiện tượng những con sóng phát sáng tại bãi biển trên đảo Vaadhoo thuộc quần đảo Maldives. Theo đó, nước biển phát sáng màu xanh rực rỡ là có sự hiện diện của sinh vật có khả năng phát quang với mật độ rất lớn trong nước.

6. Bão Mặt trời “kích hoạt” cực quang

Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt trời. Các dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi làm cho chúng trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Trong ảnh là ánh sáng Bắc cực (Bắc cực quang) đang “nhảy múa” trên bầu trời dãy núi Lyngen Alps, Na Uy hồi tháng 1/2012. Ánh sáng cực quang rực rỡ đó được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh.

5. “Thế giới đã mất” ở Nam cực

Bầy cua Yeti sống tràn ngập xung quanh những miệng phun thủy nhiệt có nhiệt độ rất nóng ở độ sâu khoảng 2.400m dưới vùng biển Nam cực. Ngoài ra, trong bản báo cáo công bố hồi tháng 1/2012, các nhà khoa học cho biết cũng phát hiện tại đây nhiều loài mới như hàu, cua, cỏ chân ngỗng và thậm chí cả bạch tuộc sống hoàn toàn trong bóng tối.

4. Cá mập thảm nuốt cá mập tre vằn

Trong tháng 2/2012, các thợ lặn Trung tâm Nghiên cứu cấp cao về các rạn san hô (Úc) công bố "chộp" được cảnh tượng cá mập thảm nuốt cá mập tre vằn tại rạn san hô Great Keppel (thuộc rạn san hô ngầm lớn nhất thế giới The Great Barrier). Đây là phát hiện hiếm bởi cá mập thảm chỉ thường săn những con mồi là động vật không xương sống và cá nhỏ.

3. Khỉ chuyên sống về đêm

Loài khỉ chuyên sống về đêm có trọng lượng cơ thể 0,9kg và chiều cao 0,3m, được công bố phát hiện trong tháng 9/2012. Đây là một trong tám loài động vật có vú mới phát hiện tại khu bảo tồn quốc gia Tabaconas Namballe (Peru).

2. Loài lưỡng cư không chân

Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một “gia đình” động vật lưỡng cư không chân mới, được đặt tên là Chikilidae, sống dưới lớp đất rừng ở đông bắc Ấn Độ. Chúng rất khó bị phát hiện bởi sống trong lòng đất hoặc dưới lớp thảm lá rụng trong rừng. “Mẹ” lưỡng cư dạng giun thường cuộn mình xung quanh ổ trứng, ấp trứng, sau đó phôi hình thành và phát triển trong trứng từ 2-3 tháng rồi nở trực tiếp thành con. Phát hiện trên được công bố tháng 2/2012.

1. Tắc kè hoa nhỏ nhất thế giới

Trong tháng 2/2012, các nhà khoa học ở Madagascar công bố phát hiện một loài tắc kè hoa chỉ dài khoảng 2,9cm, thân chỉ to bằng một đầu que diêm và nằm gọn trên đầu ngón tay của một người. Họ tin rằng đây là một trong những loài bò sát nhỏ nhất thế giới, được đặt tên khoa học là Brookesia micra.

Theo Tuổi Trẻ
  • 3.619