10 "điểm nóng" về hệ sinh thái rừng

  •  
  • 2.579

Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố, 2011 là năm quốc tế về rừng. Hưởng ứng sự kiện này, tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) vừa công bố 10 "điểm nóng" về hệ sinh thái rừng bị đe dọa trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của rừng và sự cần thiết phải bảo vệ chúng.

10 hệ sinh thái rừng được CI lựa chọn với tiêu chí là có đến 90% (hoặc hơn) môi trường sống ban đầu của chúng bị mất và mỗi địa điểm rừng phải có ít nhất 1.500 loài thực vật đặc hữu. Nếu các khu rừng bị mất, các loài đặc hữu này sẽ bị biến mất mãi mãi. Đáng lưu ý, 10 hệ sinh thái rừng này hỗ trợ cho khoảng 1 tỉ người đang sống trong hoặc xung quanh chúng, họ trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nguồn tài nguyên mà chúng cung cấp.

Các nhà khoa học cũng ước tính, 10 hệ sinh thái rừng này có thể tích trữ trên 25 tỉ tấn carbon, giúp làm sạch không khí và đối phó với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.


Rừng là nguồn cung cấp kế sinh nhai cho khoảng 1,6 tỉ người - Ảnh: scienceblogs.com

CI cho biết rừng chỉ bao phủ 30% tổng diện tích đất trên Trái đất, nhưng chúng là “ngôi nhà” của khoảng 80% đa dạng sinh học trên hành tinh. Các loài cây, hoa, động vật và vi sinh vật sống trong rừng tạo nên một mạng lưới sự sống phức tạp.

Rừng còn là nguồn cung cấp kế sinh nhai cho khoảng 1,6 tỉ người. Cụ thể, theo tạp chí National Geographic (Mỹ), rừng cung cấp gỗ, thức ăn, nơi ở, giải trí, nguồn nước ngọt cho con người và phòng chống xói mòn.

Tuy nhiên, ông Olivier Langrand - người đứng đầu về chính sách quốc tế của CI, cho biết, rừng đang bị phá hủy với một tốc độ đáng báo động để lấy đất sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản và xây dựng các khu đô thị. Hệ quả là môi trường sống bị ảnh hưởng trầm trọng: thực tế cho thấy tình trạng phá rừng đã thải ra lượng khí thải chiếm 15% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Dưới đây 10 "điểm nóng" về hệ sinh thái rừng:

1. Ấn Độ - Myanmar


Ảnh: Sitha Som, CIARKIVE

Những con sông và vùng đồng bằng ngập nước tại khu vực Ấn Độ - Myanmar rất quan trọng cho kế sinh nhai của người dân địa phương và trong việc bảo tồn các loài chim, rùa nước ngọt và cá, trong đó có loài cá da trơn khổng lồ sông Mêkông Pangasianodon gigas (ảnh dưới).

Tuy nhiên, hệ sinh thái nơi đây đang ngày càng bị phá hủy do xây đập thủy điện, khai thác thủy sản quá mức và còn do người dân điều hướng dòng chảy cho trồng lúa, nuôi tôm. Hiện chỉ còn khoảng 5% môi trường sống tại đây là không bị tác động bởi con người.

2. Tân Đảo


Ảnh: Bruce Beehler, CI/ARKIVE

Nằm ở cực nam Thái Bình Dương, cách Úc khoảng 1.200km về phía đông nam, Tân Đảo là “ngôi nhà” của 5 họ thực vật đặc hữu. Tuy nhiên tình trạng khai thác niken, phá rừng và sự xuất hiện các loài xâm hại đã đe dọa tới động thực vật đặc hữu nơi đây, trong đó có loài chim nguy cấp kagu Rhynochetos jubatus. Môi trường sống không bị tác động bởi con người tại đây chỉ còn 5%.

3. Vùng địa sinh học Sundaland


Ảnh: Haroldo Castro, CI

Hệ động thực vật đặc hữu tại vùng địa sinh học Sundaland đang phải “chịu thua” sự tăng trưởng của công-lâm nghiệp và buôn bán thương mại động vật, chẳng hạn hổ, khỉ và rùa, phục vụ cho nhu cầu về thực phẩm và y học cho các nước khác.

Dân số của loài đười ươi (ảnh), chỉ được tìm thấy ở các khu rừng thuộc khu vực này đã bị suy giảm đáng kể. Hiện nơi đây chỉ còn khoảng 7% là giữ được môi trường sống ban đầu.

4. Philippines


Ảnh: Olivier Langrand, CI

Với hơn 7.100 hòn đảo, Philippines là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới và là "quê hương" của nhiều loài động thực vật quý hiếm, chẳng hạn đại bàng Philippine Pithecophaga jefferyi - loài đại bàng lớn thứ hai trên trái đất (ảnh).

Tuy nhiên các khu rừng tại đây đang bị đốn sạch để lấy gỗ làm nhà, trang trại và để thích ứng với tình trạng tốc độ tăng trưởng dân số cao và nghèo đói.

5. Rừng ven bờ Đại Tây Dương


Ảnh: Frans Lanting, National Geographic

Rừng ven bờ Đại Tây Dương có khoảng 20.000 loài động thực vật, trong đó có 40% là loài đặc hữu, tuy nhiên rừng nguyên sinh nơi đây còn lại chưa đầy 10%.

6. Dãy núi phía tây nam Trung Quốc


Ảnh: Piotr Naskrecki, CI

Dãy núi phía tây nam Trung Quốc hỗ trợ môi trường sống cho hệ thực vật ôn đới trên thế giới với hầu hết các loài là đặc hữu. Đây cũng là quê hương của loài gấu trúc lớn Ailuropoda melanoleuca và họ hàng của nó là gấu trúc đỏ Ailurus fulgens (ảnh).

Tuy nhiên, việc xây đập tại các dòng sông thuộc khu vực trên đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống của hàng triệu người. Theo các nhà khoa học, chỉ có 8% môi trường sống tại khu vực còn được giữ nguyên vẹn.

7. Vùng hệ thực vật California


Ảnh: William Crosse, CI

Vùng hệ thực vật California là “ngôi nhà” của cây cù tùng khổng lồ, được cho là loài thực vật lớn nhất hành tinh, và một loài cây khác thuộc loại cao nhất thế giới là cây gỗ đỏ, cao khoảng 115m (ảnh). Hệ sinh thái khu vực hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn phá rừng làm trang trại, sự mở rộng của các khu đô thị, ô nhiễm và xây dựng hệ thống đường bộ. Môi trường sống ban đầu tại đây chỉ còn khoảng 10%.

8. Rừng ven bờ biển Đông Phi (phía đông lục địa châu Phi)


Ảnh: Getty Images

Mặc dù rất nhỏ và bị phân mảnh, các khu rừng ven bờ biển Đông Phi (chỉ còn 10% còn giữ được nguyên vẹn) lại chứa đựng mức đa dạng sinh học đáng kể. Một trong những động vật linh trưởng đặc hữu của nơi này là khỉ Procolobus kirkii (ảnh) mà theo ước tính, chỉ còn khoảng 1.000 - 1.500 cá thể. Mở rộng nông nghiệp là mối đe dọa chính tới vùng này.

9. Madagascar và các hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương


Ảnh: National Geographic

Đây là nơi nổi tiếng có nhiều loài vượn cáo, riêng đảo quốc Madagascar có tới hơn 50 loài. Tuy nhiên đói nghèo và tăng trưởng dân số nhanh đang gây áp lực rất lớn về môi trường tại nơi này. Hiện môi trường sống không bị tác động bởi con người tại nơi đây chỉ còn khoảng 10%.

10. Khu vực đông Afromontane


Ảnh: National Geographic

Theo thông tin của CI, mối đe dọa cho môi trường sống khu vực này là mở rộng nông nghiệp và nạn buôn bán thịt rừng. Hiện môi trường sống nơi đây còn giữ được nguyên vẹn là 11%.

Theo Thiên nhiên
  • 2.579