Con người đang tự hủy diệt như thế nào?

  •   4,614
  • 38.114

Con người đang hằng ngày tàn phá môi trường sống của chính mình theo nhiều cách, vô tình hoặc cố ý. Từ các công trình xây dựng sai lầm, quá trình canh tác trồng trọt, khai thác mỏ, hay chỉ đơn giản như thói quen sinh hoạt hàng ngày… đều đã và đang làm biến dạng bề mặt hành tinh. Chính lòng tham của con người sẽ hủy diệt tất cả.

Mặt trái của những đập thủy điện

Các công trình công cộng không phải lúc nào cũng hữu ích đối với công chúng. Điển hình như các dự án đập thủy điện của Trung Quốc. Với mục tiêu sản xuất năng lượng sạch, các con đập đồ sộ lại gây lụt lội ở các vùng xung quanh, hủy hoại môi trường sinh thái…

Năm 2007, Trung Quốc hoàn thành công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới – đập Tam Hiệp. Công trình này đã choán nơi sinh sống của 1,2 triệu người, làm ngập lụt 13 thành phố chính, 140 thị trấn và 1.350 ngôi làng. Hàng trăm nhà máy, hầm mỏ, bãi rác và khu công nghiệp bị nhấn chìm trong nước, làm cho nước trong 1 hồ chứa nước dự trữ gần đó bị ô nhiễm nặng nề. Công trình này đã làm biến đổi một con sông hùng vĩ một thời trở thành một cái ao tĩnh lặng và bức tử hàng ngàn loài thủy sinh vật nơi đây.

Các nhà khoa học cũng liên hệ các con đập với những trận động đất. Đập Tam Hiệp được xây dựng phía trên 2 đường đứt gãy chính, và kể từ khi nó được xây dựng đã có có hàng trăm cơn chấn động nhẹ xảy ra. Họ còn cho rằng trận động đất thảm khốc ở Tứ Xuyên hồi năm 2008 làm 80.000 người chết cũng một phần là do lượng nước dồn về đập Zipingpu nằm ở rất gần đường đứt gãy gây ra trận động đất.

Đánh bắt thủy hải sản quá mức

Các món hải sản ngon miệng được nhiều người yêu thích đang ngày một rút ruột các đại dương. Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), nhu cầu về hải sản của con người cao hơn gấp 2,5 lần so với khả năng cung ứng của biển. Các loài hải sản càng được ưa thích thì càng bị đánh bắt cạn kiệt. Các tàu đánh bắt cá hiện đại là thủ phạm chính. Chúng là những nhà máy chế biến hải sản di động, được trang bị các thiết bị dò tìm hiện đại. Khi phát hiện mục tiêu, một tấm lưới khổng lồ có kích thước bằng 3 sân bóng sẽ được thả xuống, tóm gọn cả bầy cá lớn chỉ trong vài phút. Các chuyên gia dự đoán rằng, nếu không có biện pháp can thiệp, nhiều loài hải sản quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của con người sẽ biến mất khỏi đại dương trong 40 năm tới.

Những cuộc di dân và những kẻ xâm chiếm

Khi con người di chuyển đến nơi sinh sống mới, họ thường đem theo những con vật hoặc cây cỏ ở quê mình đến trồng ở vùng đất mới. Việc làm này đã vô tình làm xáo trộn quần thể động thực vật bản địa, là một trong những nguyên nhân gây tàn phá môi trường khốc liệt nhất.

Những kẻ xâm chiếm mới này sẽ tranh giành môi trường sống và thức ăn, đẩy “dân địa phương” đến bước đường diệt vong. Một ví dụ điển hình là loài chim cưu (sống ở đảo quốc Mauritius nằm phía Tây Nam Ấn Độ Dương), nay đã bị tuyệt chủng do những sinh vật “ngoại lai” như mèo, chuột … được những thủy thủ Châu Âu mang đến đã phá hoại tổ và ăn trứng của chúng.

Các hoạt động khai thác than và khoáng sản

Than đá là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào, nhưng kèm theo quá trình sản xuất điện từ than đá là lượng khí thải CO2 khổng lồ đang phá hủy bầu khí quyển. Hậu quả của nó là sự biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Thêm một vấn nạn của ngành công nghiệp khai thác than là rác thải như đất đá, cây cối bị đào lên trong quá trình khai thác sẽ bị đổ đống xuống các thung lũng lân cận, bóp nghẹt các dòng suối, phá hủy môi trường sống của các sinh vật, làm kiệt quệ dòng nước chảy ra các con sông; thêm vào đó, chất thải công nghiệp bị rửa trôi vào các dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tai họa từ sơ suất của con người

Đôi khi, chỉ một sơ suất nhỏ của con người cũng gây ra hậu quả thảm khốc khó lường.

Thảm họa tràn dầu từng làm chấn động nước Mỹ của công ty Exxon Valdez năm 1989, ngoài việc cướp đi kế mưu sinh của hàng chục ngàn ngư dân, còn bức tử hàng triệu sinh vật biển khác ở vùng biển Alaska.

Mới đây nhất là vụ tràn dầu của công ty BP xảy ra ở vịnh Mexico hồi tháng 4/2010 thậm chí gây hậu quả còn nghiêm trọng hơn vụ Exxo, được đánh giá là thảm họa tràn dầu kinh hoàng nhất lịch sử. Cho đến hiện tại, vẫn còn quá sớm để ước lượng mức độ ảnh hưởng cũng như thiệt hại do sự cố này gây ra, nhưng chắc chắn người dân và hệ sinh thái trong khu vực này sẽ chịu thiệt hại hết sức nặng nề.

Phương tiện giao thông

Mỗi năm 1 chiếc xe hơi hoạt động sẽ thải ra khoảng 5,4 tấn CO2 dưới dạng khí thải. Ngoài tác hại lâu dài đến tầng ozone, gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, các loại khí thải này cũng gây tác hại tức thời đến con người thông qua các bệnh về đường hô hấp ngày càng phổ biến. Hơn nữa, ngành công nghiệp khai thác và cung cấp nhiên liệu (xăng dầu) cho các loại phương tiện giao thông hoạt động cũng để lại nhiều hậu quả xấu cho môi trường.

Các hoạt động nông nghiệp không bền vững

Các hoạt động nông nghiệp không an toàn là nguyên chính gây ô nhiễm đất và các nguồn nước. Lấy ví dụ, ở Mỹ, 70% nguồn nước như sông suối bị nhiễm hóa chất do phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi từ các cánh đồng.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chăn nuôi quy mô lớn với hàng trăm ngàn con gia súc đang thải ra một lượng khổng lồ các loại khí thải chưa qua xử lý từ phân của chúng. Các khí này cũng “góp công” trong việc làm Trái đất nóng lên.

Nạn phá rừng

Các khu rừng đang bị teo nhỏ hoặc biến mất hàng ngày, đặc biệt là các khu rừng mưa nhiệt đới. Với đà phá rừng như hiện tại, các nhà khoa học ước tính khoảng 100 năm nữa, toàn bộ rừng trên trái đất sẽ biến mất.

Mất rừng cũng như mất đi lá phổi; không còn đủ cây xanh để chuyển hấp thụ và chuyển hóa các khí nhà kính. Không còn rừng cũng đồng nghĩa với việt mất đi hàng rào che chắn và bảo vệ, dẫn đến các thảm họa xói mòn và lũ lụt ngày một nghiêm trọng.

Bùng nổ dân số

Các nhà nghiên cứu dân số nói rằng, nếu chúng ta không tự kiềm chế dân số một cách ôn hòa thông qua các chương trình kế hoạch hóa gia đình, thì thiên nhiên sẽ làm giúp việc này nhưng với các biện pháp hết sức tàn khốc như bệnh dịch và đói kém.

Chỉ trong vòng 40 năm, dân số thế giới đã tăng từ 3 tỷ lên gần 7 tỷ người. Mỗi năm lại có thêm 75 triệu người – tương đương dân số của nước Đức – được sinh ra trên hành tinh. Ước tính đến năm 2050, dân số trái đất sẽ vượt mốc 9 tỷ người.

Dân số tăng đồng nghĩa với nhu cầu về thực phẩm tăng, lượng rác thải cũng theo đó tăng lên. Các ngành công nghiệp hoạt động hết công suất để phục vụ con người. Tài nguyên bị rút cạn. Trái đất dần kiệt quệ.

Nói một cách ngắn gọn, dân cư càng đông đúc thì càng sinh nhiều vấn đề phức tạp và nan giải.

Cập nhật: 15/12/2024 Theo Việt báo, Discovery
  • 4,614
  • 38.114