10 sản phẩm thay đổi cuộc sống của những nhà phát minh vô danh

  •  
  • 5.062

Cơn sốt váy quấn, bikini, keo siêu dính là những phát minh nổi tiếng hơn chính tên tuổi của các nhà sáng chế.

1. Bikini

Bikini
Ảnh: Bettmann/Corbis.

Năm 1946, Jacques Heim, một nhà thiết kế trang phục nữ tại Cannes, Pháp, là người đầu tiên thiết kế ra đồ bơi hai mảnh gọi là "Atome", đặt theo từ Atom trong tiếng Pháp là bom nguyên tử. Heim đã thuê hẳn một chiếc máy bay nhả chữ "Atome, đồ bơi nhỏ nhất thế giới" trên trời quảng bá trang phục.

Ba tuần sau, nhà thiết kế ô tô Louis Reard nảy ra ý tưởng mới về đồ bơi hai mảnh phiên bản kiệm vải hơn. Reard chỉ dùng chưa tới 200 cm vuông vải cho thiết kế mới, trong đó hai mảnh tam giác ngược nối nhau bằng sợi dây mỏng tạo hình thành áo ngực. Thiết kế được đặt tên là "bikini", hòn đảo san hô nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Quảng bá cho thiết kế của mình, Louis Reard khẳng định bikini "nhỏ hơn đồ tắm nhỏ nhất thể giới" và cho biết đồ bơi hai mảnh không thể gọi là bikini trừ khi nó chui lọt một chiếc nhẫn cưới.

2. Bóng thể dục Thụy Sĩ

Bóng thể dục Thụy Sĩ
Ảnh: Listverse.

Khác với tên thường gọi là bóng thể dục Thuỵ Sĩ, bóng thể dục được phát minh năm 1963 bởi Aquilino Cosani, một nhà sản xuất nhựa người Italy. Cosani ban đầu sáng chế ra quả bóng bằng nhựt vinyl chống nổ tên là "Gymnastik" với nhiều kích thước nhằm mục đích làm đồ chơi.

Tiến sĩ Elseth Kong và Mary Quiton, nhà vật lý trị liệu người Anh tại Thuỵ Sĩ sau đó dùng quả bóng để phát triển chương trình phục hồi chức năng cho trẻ sơ sinh bại não. Chung ý tưởng, nhà vật lý trị liệu Thuỵ Sĩ Susan Klein-Vogelbach cũng sử dụng bóng thể dục hồi phục chức năng cho bệnh nhân chỉnh hình ở Basel, Thuỵ Sĩ.

Những năm 1970, bác sĩ Joanne Posner-Mayer quan sát hiệu quả của bóng thể dục trong chuyến làm việc tại Copenhagen; sau đó mang quả bóng về giới thiệu ở Mỹ.

3. Gôm cao su

Gôm cao su
Ảnh: Listverse.

Năm 1770, phiên bản đầu tiên của gôm cao su được Edward Nairine, một nhà nhãn khoa kiêm kỹ sư người Anh, giới thiệu trên thị trường. Ý tưởng bắt nguồn trong một lần Nairine định lấy vụn bánh mì để tẩy vết chì, song lại nhặt phải một mẩu cao su gần đó.

Sau khi phát hiện công dụng tẩy chì của cao su, Nairbe bắt đầu quảng cáo và bán các khối cao su làm gôm tẩy.

Cuối năm 1770, nhà hoá học người Anh Joseph Priestly cũng tình cờ quan sát được tính chất này của cao su, từ đó đặt tên cho nó là "eraser" (cục gôm), nhằm ám chỉ khả năng xoá đi vết bút chì.

Phiên bản đầu tiên của gôm dễ hỏng và có mùi hôi. Tới năm 1839, cả hai vấn đề mới được Charles Goodyear giải quyết bằng quy trình lưu hoá cao su.

Bút chì đầu tiên gắn gôm xuất hiện năm 1858 nhờ ý tưởng của Hymen L. Lipman. Tuy nhiên Lipman lúc này không được nhận bằng sáng chế tại Mỹ vì hội đồng cho rằng đây chỉ là sự kết hợp hai phát minh có sẵn.

Một thập kỷ sau, Lipman mới được công nhận tác quyền và xây dựng công ty Faber sản xuất mẫu viết chì gắn đầu gôm màu hồng để bán. Ngày nay, bên cạnh mủ cao su, gôm còn được chế tạo từ các vật liệu tổng hợp như được làm từ nhựa cao su, nhưng các loại khác làm từ vật liệu tổng hợp như styrene và butadiene.

4. Sáp Vaseline

Sáp Vaseline
Ảnh: Listverse.

Sáp Vaseline nổi tiếng với công dụng trị khô môi, dưỡng ẩm da và khử trùng là phát minh của nhà hoá học người Anh Robert Chesebrough.

Năm 22 tuổi, trong một chuyến nghiên cứu tại mỏ dầu mới ở Titusville, sau khi quan sát các công nhân bôi một chất có tính dính lên vết đứt tay và chỗ bỏng, Chesebrough quyết định mang chất này về thí nghiệm.

Cheesebrough nhận bằng sáng chế nhờ quy trình chưng cất thu thành phần hiệu quả nhất của loại sáp này và bắt đầu bán sản phẩm với tên Vaseline vào năm 1870. Với quyết tâm biến Vaseline thành sản phẩm phổ biến trong gia đình, Chesebrough tự làm đứt tay và gây bỏng bằng axit hoặc lửa sau đó xoa Vaseline để chứng minh công dụng làm lành vết thương của sản phẩm. Chesebrough còn cho biết mỗi ngày ông thường ăn một muỗng Vaseline.

5. Dụng cụ mở lon

Dụng cụ mở lon
Ảnh: Listverse.

Năm 1828, nhà buôn Anh Peter Durand nhận bằng sáng chế cho phát minh bảo quản thực phẩm bằng cách đóng trong lon thiếc. Gần ba thập kỷ sau, dụng cụ mở nắp lon ra đời thay thế cho cách mở thủ công bằng búa và đục.

Ngày 13/7/1855, Robert Yates, người Middlesex, Anh nhận bằng sáng chế cho dụng cụ mở lon đầu tiên gồm một lưỡi dao cong và dao bẩy.

Cuối những năm 1859, các lon thiếc được thiết kế mỏng hơn, làm nền tảng cho phiên bản dụng cụ mở lon của Ezra Warner người Connecticut, Mỹ. Tuy nhiên, các thiết kế ban đầu đều đòi hỏi dùng sức nhiều nên không phổ biến trong các gia đình.

Năm 1870 William Lyman phát minh dụng cụ mở lon thân thiện với gia đình, gồm một đầu nhọn đâm vào tâm nắp hộp, đòn bẩy điều chỉnh được kẹp chặt vào lon và lưỡi cắt xoay quanh mép hộp.

Năm 1925, Tập đoàn Star chuyên sản xuất mở nắp lon cải tiến dụng cụ bằng cách bỏ đi phần đầu nhọn đóng trên nắp lon, đặt tên là Feed Wheel.

6. Keo siêu dính

Keo siêu dính
Ảnh: Omegatron/Wikimedia.

Tiến sĩ Harry Coover người Mỹ tình cờ khám phá ra chất siêu dính khi phát triển bộ ngắm súng nhựa trong suốt cho quân Đồng minh năm 1942. Coover cùng cộng sự phát hiện nhóm các chất cyanoacrylate không mang lại đặc tính mong muốn vì chúng dính chặt trên mọi bề mặt. Ý tưởng với nhóm cyanoacrylate do đó bị huỷ bỏ.

Tới năm 1951, Coover làm việc cho nhà máy hoá chất Kodak ở Kingsport, bang Tennessee để nghiên cứu các loại polyme chịu nhiệt cho máy bay phản lực.

Nhóm chất cyanoacrylate tiếp tục được thử nghiệm và thất bại song khiến Coover nhận ra giá trị của cyanoacrylate nằm ở chính đặc tính kết dính mọi thứ của nó. Cuối thập niên 1950, ông bắt đầu ra mắt sản phẩm keo siêu dính với tên gọi "Eastman 910".

7. Váy quấn

Váy quấn
Ảnh: Refinery29.

Váy quấn (wrap dress) là ý tưởng của nhà thiết kế người Bỉ Diane von Furstenberg. Bắt đầu với kiến thức về thời trang là con số không, Furstenberg vào học việc trong một nhà máy sản xuất vải Angelo Ferretti ở Italy năm 1969. Những năm 1970, Furstenberg bước chân vào làng thời trang New York, Mỹ.

Ý tưởng về chiếc váy quấn khuynh đảo làng thời trang thế giới trong thập niên 70 xuất hiện khi Furstenberg vô tình nhìn thấy con gái Tổng thống Nixon, Julie Nixon Eisenhower, diện một chiếc váy quấn và áo quấn trên tivi. Váy quấn của Furstenberg là sản phẩm kết hợp hai trong một bộ trang phục của Julie lúc đó.

Theo Listverse, chiếc váy quấn đầu tiên làm bằng vải jersey, dài tay và nhấn phần eo trở thành hiện tượng khi ra mắt lần đầu năm 1976 và nhanh chóng bán được hơn 5 triệu sản phẩm.

8. Ván lướt sóng

Ván lướt sóng
Ảnh: Listverse.

Trong xã hội Hawaii cổ đại, trượt ván là hoạt động giải trí biểu trưng cho đời sống tinh thần và văn hoá. Người Hawaii thường cầu nguyện thần linh ban những con sóng lành và gỗ cây Koa, Wili Wili và Ula làm ván lướt. Tuy nhiên sau khi thuyền trưởng Cook và những nhà truyền giáo châu Âu tới đây vào thế kỷ 18, 19, lướt sóng dần biến mất cho tới đầu thế kỷ 20.

Kỷ nguyên mới của ván lướt sóng bắt đầu năm 1926, khi Tom Blake phát minh ra ván lướt rỗng. Tấm ván dài tầm 4,5 m có hàng trăm lỗ khoan bên trong, được phủ tấm gỗ mỏng ở mặt trên và dưới. Blake sau đó thêm vào ván phần "vây đuôi" để tăng khả năng điều khiển ván cho người lướt sóng.

9. Tampon

Tampon
Ảnh: Listverse.

Mỹ phát minh năm 1931. Khi đó, ông đăng ký Tampax cho sản phẩm của mình.

Năm 1934, một nhóm nhà đầu tư mua bằng sáng chế của tiến sĩ Haas và bắt đầu giới thiệu rộng rãi Tampax vào thị trường hoàn toàn xa lạ với sản phẩm mới này.

Quảng cáo đầu tiên về Tampax vào tháng 7/1936 ghi: "Bác sĩ của bạn sẽ là người đầu tiên khẳng định Tampax là phương pháp vệ sinh tự nhiên được chấp nhận bởi Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA)". Tuy nhiên, trên thực tế AMA phê chuẩn sản phẩm này cho tới năm 1945.

Trong bài viết đăng trên Tập san của AMA, tiến sĩ Robert L. Dickenson thống kê và phân tích lý do ông ủng hộ sử dụng tampon. Dickenson cho rằng tampon vượt trội hơn bởi băng vệ sinh thông thường dễ gây mùi, kích thích và tạo cảm giác cộm khó chịu khi sử dụng.

10. Súng phun nước

Súng phun nước
Ảnh: Listverse.

Lonnie G. Johnson, kỹ sư làm việc cho NASA và Không quân Mỹ, là nhà cha đẻ của hơn 40 bản quyền ý tưởng, nổi tiếng nhất là súng bắn nước cho trẻ em.

Năm 1982, khi đang thực hiện thí nghiệm với máy bơm nhiệt, sử dụng nước thay cho khi Freon. Khi nối máy bơm vào vòi và mở khoá, nước áp lực cao ngay lập tức bắn vào bồn, tạo cảm hứng cho Johnson chuyển ý tưởng sang phát triển một loại súng nước.

Sau khi kết hợp với hai công ty không thành công với thiết kế ban đầu, năm 1989 Johnson gặp Myung Song, Chủ tịch tập đoàn Larami trình bày mẫu cải tiến.

Larami quyết định đổi tên sản phẩm từ "Power Drencher" sang "Super Soaker", xin cấp bằng sáng chế cho súng nước và bán ra món đồ chơi hấp dẫn hàng triệu trẻ em khắp thế giới.

Cập nhật: 18/06/2019 Theo VnExpress
  • 5.062