10 sinh vật gây hại nhất

  •  
  • 2.022

Chúng phá hoại mùa màng, gây ô nhiễm môi trường, làm biến đổi hệ sinh thái. Điều đáng buồn là con người cũng nằm trong số này.

Hải ly

Được biết đến là những kỹ sư sinh thái, hải ly biến các dòng suối thành ao tù bằng đốn phá cây rừng để xây dựng nhà và đập nước. Những con đập của chúng làm chậm dòng chảy, tăng nhiệt độ và cắt giảm lượng oxy. Trong khi điều kiện này có thể thích hợp cho một số sinh vật, thì những con sống dựa vào dòng nước mát chảy xiết sẽ bị chết dần. Những kẻ xây dựng bận rộn này làm tổn thất hàng triệu USD do bị mất mùa, thất thoát gỗ, phá huỷ đường phố và hệ thực vật.

Bọ cây

Trong số hàng trăm loài bọ cây, loài nguy hiểm nhất nhai mòn cả cành cây, nhánh cây, vỏ, thân cây và bụi rậm. Chúng thích tấn công những cây đã bị tàn tạ qua hạn hán và bệnh tật. Một lượng lớn cây cối đã bị bọ cây đốn ngã tại tây nam nước Mỹ và gây nên những trận hoả hoạn lớn.

Lợn

Bản thân lợn là một trong những loài sạch nhất thế giới, nhưng các trang trại lợn thì hoàn toàn hôi thối. Chẳng hạn, một trang trại sản xuất ra 2,5 triệu con lợn mỗi năm sẽ thải ra một lượng rác thải bằng cả thành phố Los Angeles. Những chất thải của lợn này có chứa các hoá chất có tác hại lâu dài tới sự tăng trưởng và sinh sản của cá và động vật hoang dã.

Mối

Những con côn trùng này xơi tái cây cối, mái nhà, bông và cả những ngôi nhà bằng gỗ rồi biến tất cả thành bụi. Để có thể tiếp cận thức ăn và nước, mối còn được biết đến xâm nhập cả những thứ không thể xâm nhập: xi măng, gạch và nhựa.

Cá mút đá

Những con cá mút đá giống lươn sử dụng chiếc mồm như cái cốc để hút máu và chất lỏng của các con cá khác, khiến con mồi bị sẹo hoặc chết. Trong quãng đời trưởng thành kéo dài 1 năm của chúng, một con cá mút đá có thể tiêu huỷ 18 kg cá. Kẻ sát nhân này chịu trách nhiệm cho sự suy giảm đáng kể dân số cá tại Great Lakes trong những năm 1950-1960.

Trai sọc vằn

Những sinh vật to bằng ngón tay này tiêu thụ động thực vật rất thiết yếu trong mạng lưới thức ăn. Đồng thời, chúng làm cản đường nước và chặn ống thoát nước, gây tốn khoảng 5 tỷ USD cho việc sửa chữa.

Bướm ma

Loài bướm ban đêm này đã tấn công các khu rừng Bắc Mỹ kể từ khi được đưa vào một cách tình cờ vào những năm 1860. Các con bướm ăn tán lá của hơn 300 loài cây, đặc biệt thích cây sồi và cây dương lá rung.

Tại hầu hết những nơi con người đã cư trú, họ đều mang theo những con dê phá hoại mùa màng. Những con dê hung dữ ăn cây trồng, tấn công các loài vật khác và làm tăng sự xói mòn đất. Ở Galapagos, dê đánh bại các con rùa chậm chạp để giành thức ăn và nơi trú. Việc gặm cỏ quá nhiều cũng gây ra hiện tượng sa mạc hoá ở châu Phi. Ngoài ra, dê Australia còn phá huỷ khu di sản của người thổ dân.

Voi

Sự phàm ăn của những sinh vật khổng lồ này khiến chúng hành động ngông cuồng. Chúng quật đổ cây, tấn công mùa màng của người nông dân. Voi ăn cả trái cây, lá cây và vỏ cây mà chúng yêu thích. Để bảo vệ mùa màng, nhà cửa và gia đình, những người nông dân thường phải canh phòng voi bằng ớt và dầu.

Con người

Loài người đốt nhiên liệu hoá thạch, chặt phá rừng và thay đổi toàn bộ thế giới nơi các loài sinh vật sống. Chúng ta đã gia tăng đáng kể lượng CO2 thải vào bầu khí quyển và làm hành tinh nóng lên tới nhiệt độ khiến bệnh tật phát tán nhanh chóng, bão lũ ngày càng dữ dợn, băng tan chảy, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, và rất nhiều động thực vật không còn tồn tại. Hậu quả của sự biến đổi khí hậu báo hiệu một tương lai ảm đạm cho toàn hành tinh.

M.T.

Theo Livescience, Vnexpress

  • 2.022