Hầu hết chúng ta hiện nay ai cũng đang sở hữu cho mình một chiếc laptop sử dụng hệ điều hành Windows hoặc MacOS và có thể chiếc máy đã đi cùng với chúng ta qua nhiều năm tháng, thực hiện nhiều công việc, tác vụ khác nhau. Tuy nhiên có mấy ai khẳng định rằng mình đã khám phá hết mọi tiện ích và tính năng mà thiết bị đã mang lại?
Hãy cùng điểm qua một số tính năng có ích mà hầu hết chúng ta chưa từng nghe đến (hoặc đã lãng quên). Và biết đâu sau bài viết này, một trong số chúng sẽ trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho công việc của bạn trong tương lai.
Dark mode hiện nay đã trở thành một tính năng phổ biến trên hầu hết các thiết bị từ di động, máy tính cho đến máy đọc sách… giúp phần nào tiết kiệm năng lượng (khi sử dụng pin) và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Để kích hoạt Dark Mode trên Windows, kích chuột phải -> Personalization -> Color, tìm đến dòng Choose your default app mode heading (chọn chế độ ứng dụng mặc định của bạn) và chọn Dark. Lập tức, hệ điều hành và hầu hết các ứng dụng trên máy sẽ chuyển sang chế độ nền tối.
Thật ra tính năng stream game trên laptop từ PS4 hay Xbox One khi kết nối cùng một mạng wifi đã có từ rất lâu (trước khi Google Stadia ra mắt). Nếu bạn đang có trong tay PS4, hãy cài đặt ứng dụng PS4 Remote Play từ cửa hàng Window hoặc macOS, miễn phí và dễ sử dụng. Nếu đang sử dụng một chiếc Xbox, thì việc kết nối sẽ dễ dàng hơn nhiều khi Windows đã tích hợp sẵn một ứng dụng Xbox giúp stream game trên laptop. Tuy nhiên đối với ai đang sử dụng macOS, thì cần phải bỏ ra 20$ để có thể stream game bằng OneCast.
Cũng như việc ghim các ứng dụng hay tệp tin, giờ đây bạn cũng có thể lưu các trang web thường xuyên truy cập vào thanh công cụ hoặc thanh tác vụ, giúp công việc thực hiện được hiệu quả hơn
Để có thể ghim trang web một cách nhanh nhất, người dùng Mac cần kéo thả đường dẫn trang web từ thanh địa chỉ trong Safari sang phía bên phải của thanh công cụ. Đối với những ai đang sử dụng Windows, cần mở trang web bằng trình duyệt Microsoft Edge và chọn "pin this page to the taskbar".
Đây cũng là một tính năng khá tiện dụng nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự được phổ biến. Người dùng sở hữu Mac và iPhone có thể dễ dàng gửi tin nhắn SMS nếu hai thiết bị sử dụng chung một ID Apple và ứng dụng Messages. Đối với những ai sử dụng Windows và Android, họ vẫn sẽ có thể tận dụng được tính năng này thông qua Your Phone được tích hợp sẵn trên Windows 10 và tải một ứng dụng tương tự trên thiết bị Android.
Hiện nay, tính năng Your Phone đã hỗ trợ các thiết bị iOS, vì vậy người dùng cần tải Microsoft Edge trên App Store và đăng nhập bằng tài khoản đang sử dụng trên máy tính để có thể liên kết thành công hai thiết bị với nhau. Tuy nhiên đối với việc gửi tin nhắn từ các thiết bị Android trên máy Mac, thì có lẽ Android Messages giao diện web chính là lựa chọn duy nhất của chúng ta ngày lúc này.
Nếu vị trí làm việc đủ rộng và thoải mái, bạn có thể căn nhắc đầu tư thêm một màn hình thứ hai để tối ưu hóa không gian làm việc và mang lại tính tiện lợi, hoặc nghĩ đến phương án thay thế là sử dụng tính năng tạo desktop ảo trên thiết bị của mình thay vì bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ cho màn hình phụ.
Người dùng macOS có thể tạo mới desktop ảo bằng cách sử dụng tổ hợp phím Ctrl+Up hoặc vuốt đồng thời 4 ngón tay trên trackpad, sau đó nhấp vào biểu tượng dấu "+" ở phía trên cùng bên phải màn hình. Trên Windows, người dùng chọn Task View nằm trên thanh taskbar (bên phải biểu tượng tìm kiếm) và chọn New desktop.
Tính năng này được hỗ trợ bởi cả hai nền tảng Windows và macOS, tuy nhiên với macOS, mọi thứ đơn giản hơn nhiều: vào menu Apple -> System Preferences, Desktop & Screen Saver -> Desktop photos, sau đó chọn Dynamic Desktop.
Thêm ảnh động hoặc video để làm hình nền trên Windows bây giờ đã không còn là chuyện dễ dàng như trước kia nữa, mà bạn sẽ cần phải dùng đến ứng dụng từ bên thứ ba nếu muốn sử dụng được tính năng này, và Desktop Live Wallpapers là lựa chọn tối ưu nhất ở hiện tại, tuy nhiên với phiên bản miễn phí sẽ chỉ hỗ trợ video định dạng .wmv, hoặc sử dụng DeskScapes với phí 5 đô la mỗi tháng.
Do not Disturb là tính năng từ lâu đã có trên điện thoại, tuy nhiên giờ đây chúng ta có thể sử dụng chế độ này trên cả hai nền tảng Windows và MacOS.
Trên Windows, kích chuột phải vào Start -> System -> Focus Assist để thiết lập lại thông báo cho từng ứng dụng ở chế độ không làm phiền, sau đó tiến hành kích hoạt nó tại trung tâm thông báo (Action Center) bằng cách kích chuột phải vào biểu tượng thông báo -> Focus Assist.
Đối với macOS, truy cập vào menu Apple -> System Preferences -> Notifications -> Do Not Disturb để hẹn giờ bật/ tắt tính năng. Hoặc có thể giữ phím Option và nhấn chọn biểu tượng thông báo để kích hoạt tạm thời chế độ không làm phiền cho đến khi bạn tắt nó (hoặc đến nửa đêm).
Hiện nay đã có rất nhiều nhà phát triển tạo ra các ứng dụng hỗ trợ chụp ảnh màn hình, tuy nhiên các công cụ chính chủ trên Windows và MacOS luôn được người dùng ưu tiên bởi tính gọn nhẹ, dễ sử dụng và hơn hết là chúng đã được tích hợp thêm các công cụ chú thích ảnh khá tiện dụng trong thời gian gần đây, giúp người dùng hầu như không phải cần mở thêm một phần mềm thứ ba để chỉnh sửa.
Với MacOS, sử dụng tổ hợp phím Cmd + Shift + 5 để chụp ảnh màn hình và phải đảm bảo ảnh sau khi chụp phải được chọn trong menu Options, sau đó bạn có thể kích chọn vào ảnh thumbnail góc dưới màn hình để thêm chú thích. Đối với Windows, bạn có thể dùng tổ hợp phím Win + Shift + S để mở công cụ Snip & Sketch, chụp và chỉnh sửa ảnh chụp màn hình của bạn.
Trên Windows, nhấp chuột phải vào menu Start -> Systems -> Clipboard để bật tính năng đồng bộ hóa các dữ liệu được copy và paste giữa các thiết bị khác nhau (liên kết với nhau bởi Microsoft ID). Bạn cũng có thể kích hoạt tùy chọn bộ nhớ tạm để lưu trữ một số tệp tin từ đây.
Tương tự như Windows, người dùng macOS được trang bị "Universal Clipboard" hoạt động giữa các thiết bị khác nhau đăng nhập chung một tài khoản Apple ID – mà không cần tinh chỉnh bất kỳ cài đặt nào khác. Chỉ cần đảm bảo Allow Handoff được kích hoạt trong System Preferences trong menu Apple.
Nếu bạn muốn trình chiếu màn hình laptop của mình lên một thiết bị hiển thị hình ảnh khác lớn hơn mà không cần đến hệ thống dây nối phức tạp, hãy truy cập vào Action Center, chọn Connect để tìm kiếm các thiết bị không dây đang có sẵn hỗ trợ (kết nối qua cùng mạng Wifi chẳn hạn). Hoặc bạn cũng có thể trình chiếu màn hình thông qua tính năng được tích hợp trên Google Chrome.
Đối với macOS, việc trình chiếu màn hình không dây giờ đây dễ dàng hơn bao giờ hết bởi đa số TV đến từ Samsung hay Sony giờ đây đã hỗ trợ AirPlay 2. Có thể sử dụng tính năng này bằng cách kích chọn vào biểu tượng AirPlay trên thanh menu để hiển thị Apple TVs hay các thiết bị phù hợp khác đang hoạt động. Tất nhiên, trình duyệt Chrome cũng hỗ trợ trình chiếu trên macOS: trong menu Chrome, chọn Cast -> Cast desktop và chọn thiết bị thích hợp để phản chiếu màn hình Mac của mình.
Để tiết kiệm thời gian và công sức khi nhập văn bản bằng tay, bạn có thể sử dụng giọng nói của mình và laptop sẽ ghi lại một cách tương đối chính xác những gì nó đã nghe được. Trên MacOS, vào menu Apple -> System Preferences -> Keyboard -> Dictation để kích hoạt tính năng nhập liệu bằng giọng nói. Phím tắt mặc định để bật tính năng đọc là nhấn 2 lần vào phím Fn, hoặc chọn Edit -> Start Dictation.
Với Windows, bạn cần phải cài đặt tính năng đọc chính tả trong Settings -> Speech -> Ease of Access. Sau đó sử dụng tổ hợp phím Win + H bất kỳ khi nào bạn muốn nhập ký tự mà không cần phải sử dụng đến đôi tay của mình.