"2007: Thời cơ vàng để BCVT - CNTT Việt Nam đột phá!"

  •  
  • 61

Ngày 29 Tết âm lịch, dù rất bận rộn trong ngày làm việc cuối cùng trong năm Bính Tuất 2006 của Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá vẫn dành hơn một tiếng vào ngay đầu giờ sáng để trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu Xuân Đinh Hợi 2007.

Có thể nói năm 2006 đã đánh dấu những bước phát triển đột phá của ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) và Công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam. Cùng với việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO, lĩnh vực BCVT và CNTT đã có những chuyển biến quan trọng, với những sự kiện nổi bật như Intel lựa chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy chip, Bill Gates đến thăm Hà Nội..., đồng thời mở ra những cơ hội thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

* PV: Xin Bộ trưởng đánh giá sơ bộ những thành quả của ngành BCVT và CNTT Việt Nam trong năm 2006?

- Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: 2006 có thể coi là năm ngành BCVT và CNTT đã gặt hái được rất nhiều thành quả quan trọng. Trước hết phải nói đến sự phát triển của tình hình kinh doanh trong nước. Các doanh nghiệp trong ngành đã phối hợp với nhau khá hài hòa, dựa trên những cam kết có từ trước, nay chuyển thành những hợp đồng kinh tế mà hai bên cùng có lợi để thực hiện tốt việc kết nối mạng lưới. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạng lưới viễn thông trong năm 2006 với tốc độ chưa từng có.

Cuối năm 2005, cả nước có 15 triệu máy điện thoại, đánh dấu mốc lịch sử trong hơn 60 năm. Nhưng chỉ riêng năm 2006, chúng ta đã phát triển thêm 10 triệu thuê bao mới. Có thể nói đây là một kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện tính hiệu quả khi các doanh nghiệp viễn thông vừa hợp tác nhưng cũng vừa cạnh tranh.

Điểm nổi bật thứ hai, ngành BCVT và CNTT đã chính thức bước vào thực thi chiến lược hội nhập phát triển từ năm 2000, nhưng năm 2006 là sang giai đoạn 2, thể hiện tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài việc xác định chủ trương trong năm 2003-2004 là: không độc quyền doanh nghiệp, cạnh tranh trên tất cả các loại hình dịch vụ, ngành BCVT - CNTT cũng đã phối hợp với các đoàn ngoại giao, đoàn đàm phán Chính phủ để đàm phán song phương, đa phương nhằm giành được quyền tự chủ hoàn toàn trong vấn đề hội nhập với các nước trong WTO. Những cam kết ở đây vẫn thể hiện theo lộ trình, vẫn đủ thời gian để cho các doanh nghiệp viễn thông - CNTT phát triển và không gặp phải những rủi ro mang lại do chúng ta đã mở cửa với bên ngoài.

Tốc độ tăng trưởng CNTT trong năm qua cũng rất đáng kể, vẫn duy trì ở tốc độ từ 25 - 30%. Các sản phẩm phần mềm xuất khẩu trong năm cũng đạt tới 300 triệu USD. Những điều này thể hiện CNTT Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định, tạo nội lực để chúng ta bước vào hợp tác quốc tế.

Một ấn tượng nữa là uy tín của CNTT Việt Nam đã dần được tăng cường. CNTT Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ CNTT không chỉ bởi sự kiện Bill Gates đến thăm và làm việc tại Hà Nội, mà còn thể hiện rất rõ ở khả năng thu hút đầu tư nước ngoài qua việc Intel cam kết đầu tư 630 triệu USD, nhưng sau đó 1 thời gian rất ngắn đã quyết định nâng vốn cam kết lên 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp, đo thử các loại chip hiện đại nhất của họ.

Nếu chúng ta để ý quan sát, ngay sau khi Intel đầu tư vàoViệt Nam, luồng đầu tư của Nhật Bản cũng đã mạnh hơn. Riêng trong lĩnh vực điện tử, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD, mặc dù có rải ra một vài dự án khác nhau. Các đoàn doanh nghiệp từ các nền kinh tế khác như Trung Quốc, Đài Loan... cũng lập tức tham gia và có những hoạt động đầu tư rất mạnh. Các nước xung quanh như Lào, Campuchia thì luôn luôn đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam cả về công nghệ và dịch vụ.

Như thế, chúng ta vừa thu hút được đầu tư trong nước, lại nhờ được uy tín và ảnh hưởng đó để bước ra thị trường nước ngoài. Uy tín trong nước và quốc tế đang mang lại một thời cơ rất thuận lợi cho lĩnh vực BCVT và CNTT.

Một điểm đáng nói nữa là năm qua, Việt Nam đã hoàn thiện cơ bản khung pháp lý trong quản lý CNTT và BCVT với sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử, luật CNTT. Cùng với pháp lệnh đã có về BCVT, từ nay chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để quản lý thật tốt các lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình đã hội tụ.

Tôi cho đó là những điểm ấn tượng trong BCVT, CNTT năm 2006.

Chuyện "Người mở đường" cho Internet Việt Nam

* Năm 2007 là tròn 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam. Với vai trò "người mở đường" đưa Internet vào Việt Nam, Bộ trưởng có thể chia sẻ những kỷ niệm khi thuyết phục Trung ương đồng ý mở cửa Internet?

- Tôi nhớ lúc đó là vào dịp Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, đề cập đến vấn đề phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Với tư cách là Uỷ viên Trung ương Đảng và bí thư Ban cán sự Đảng của Tổng cục Bưu điện lúc đó, tôi thấy có trách nhiệm báo cáo với Trung ương về Internet, một công cụ rất hữu hiệu cho phát triển khoa học công nghệ và đặc biệt, nó sẽ thực hiện được nhiệm vụ đổi mới đào tạo.

Vì vậy, chúng tôi đã xin được trình bày trước Hội nghị Trung ương với mong muốn thuyết phục Trung ương cho Việt Nam triển khai Internet. Đó là một dấu ấn đặc biệt vì là lần đầu tiên được phép có một báo cáo khoa học trong Hội nghị Trung ương. Trước nay trong lịch sử không có một báo cáo nào như vậy.

Chúng tôi đã xin đăng ký một báo cáo chừng 30-40 phút, dẫn giải những vai trò của Internet, thực trạng của Internet trên thế giới, Internet ở Việt Nam lúc đó đã bắt đầu nảy mầm như thế nào? Vì sao chúng ta phải nhanh chóng đưa Internet vào để phục vụ trước mắt cho nghiên cứu và đào tạo. Chính vấn đề đó cũng rất phù hợp với chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương VIII này.

Sau đó, chúng tôi xin phép được demo (giới thiệu) cho mỗi đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 2 Khoá VIII được 30 phút đến 1 tiếng "tham quan trình diễn về Internet". Đặc biệt là nhấn mạnh khả năng chúng ta có thể hạn chế tiêu cực.

Vì lúc đó Internet vẫn còn rất mới lạ, nên từ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đến các đồng chí trong Bộ chính trị, các Uỷ viên Trung ương Đảng, tất cả mọi người đều đến tham dự buổi trình diễn đó. Tôi còn nhớ chúng tôi đã xin được một phòng ngay trong trụ sở họp Trung ương Đảng để trình bày về Internet.

Cuối cùng, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười lúc đó có nói: Tất nhiên cái nào cũng có hai mặt của nó, nhưng chúng ta phải phát huy cái tốt và khắc phục những cái mặt xấu còn tồn tại của nó. Tôi được biết sau đó bộ Chính trị đã có quyết định, Chính phủ đã trình tờ trình mở Internet. Đến tháng 12-1997, chúng ta bắt đầu có Internet ở Việt Nam.

Một điều rất thú vị là ngay sau đó, Văn phòng Trung ương đã trang bị máy tính cho Tổng bí thư. Lúc đó, Tổng bí thư đã sử dụng Internet và chia sẻ rằng: "Đáng tiếc bây giờ tôi đã lớn tuổi, tay không được nhanh nhẹn như thanh niên và trình độ tiếng Anh hạn chế nên không sử dụng được hết năng lực, chứ thực tình thì tôi rất thích cái Internet này".

Sau đó, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu kế nhiệm cũng đã nói một câu rất hay về lĩnh vực CNTT với đại ý: "Chúng ta đã cầm đũa được thì cũng có thể gõ bàn phím được"...

Đó là những kỷ niệm rất sâu sắc khi chúng tôi đưa Internet vào Việt Nam. Công việc đó nhận được sự đồng tình từ những lãnh đạo Trung ương cấp cao nhất cho đến người dân sau này. Đến bây giờ, sự bức xúc khi có sự cố về đường kết nối Internet do động đất vừa qua cho thấy rõ ràng về sự quan trọng của Internet đối với đời sống. Chúng ta đưa Internet vào tuy chậm, nhưng là phù hợp với tình hình của đất nước và cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định thông qua quyết định đúng đắn của Trung ương lúc đó.

* Lúc đó, để thuyết phục Trung ương đồng ý, Bộ trưởng có gặp khó khăn gì không?

"...phải nói Internet đã về làng thật, và người nông dân bây giờ đi làm đã có người mang máy di động thật." - Ảnh: VNN

- (Cười) Lúc đó có lẽ cũng do tôi nói dài quá, có đồng chí cán bộ cấp cao nói rằng: Nghị sự có nhiều vấn đề hệ trọng hơn, mà sao chỉ bàn riêng về Internet? Đó là một bài học rất sâu sắc trong việc mình không lường được thời gian để trình bày. Cũng bởi vì có nhiều thứ quan trọng trong vấn đề mới mẻ đó, nên tôi cố tận dụng cơ hội quý hiếm để trình bày. Nhưng tôi nghĩ việc phê bình tôi lúc đó không có nghĩa là ngăn cản Internet, mà vì tôi không kìm được sự dài dòng của mình mà thôi.

Cũng có một vài lo ngại rằng, Internet có thể có những mặt độc hại tràn vào theo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư tưởng. Lúc đó chúng ta cũng phải chứng minh là sẽ hạn chế được tối đa, nhưng thực chất tôi đã lường trước được những chuyện đó, nên ngay trong khi trình bày về Internet, tôi cũng có nói về mặt kỹ thuật chỉ hạn chế được có mức độ thôi. Nếu chúng ta làm hết sức bằng kỹ thuật để hạn chế, thì sẽ dẫn tới vấn đề rất thiệt hại về kinh tế. Trong thời kỳ hiện nay khoa học công nghệ có thể giải quyết được những bài toán rất hóc búa và giải quyết được theo ý định của con người, nhưng làm khoa học bằng mọi giá thì không phải là thời điểm hiện nay. Phải rất tính toán về mặt kinh tế!

Vì thế tôi có đề xuất là phải kết hợp trước hết là sự cảnh giác của nhân dân, nhận thức của nhân dân, chúng ta sẽ khắc phục được. Giống như báo không hay thì sẽ không đọc, khi có được nhận thức như thế thì chúng ta sẽ không lo. Thứ hai là trong xã hội chắc chắn có người xấu người tốt, chúng ta theo dõi những phần tử xấu để ngăn chặn những cái xấu chứ không thể dùng kỹ thuật để theo dõi tất cả 84 triệu dân, sẽ là rất khó khăn, lãng phí...

Ngoài cảnh giác, nhận thức tốt, còn có vấn đề thứ ba là kỹ thuật, chúng ta cũng có thể phối hợp để theo dõi, rồi cả xã hội, nhà trường, gia đình... cùng vào cuộc, làm sao để lớp trẻ của đất nước vừa có Internet làm phương tiện để học hành, phát triển, nhưng vẫn được giáo dục nhận thức, giám sát đầy đủ.

Internet cộng với giáo dục là phương tiện tốt nhất cho nâng cao dân trí, nâng cao sự hiểu biết. Nhưng mặt tiêu cực nó sẽ đưa ngược lại những ảnh hưởng tiêu cực với giới trẻ thông qua Internet.

* Bộ trưởng có thể đánh giá về ý nghĩa của việc đưa Internet về vùng sâu vùng xa, cho người dân nông thôn có cơ hội tiếp nhận tri thức mới?

- Cách đây ba năm, khoảng năm 2004, khi lãnh đạo Bộ BCVT quyết định không còn độc quyền công ty và cạnh tranh trên tất cả các loại hình dịch vụ, tôi cũng đã nảy ra một ý kiến và nói với anh chị em là liệu ta có thể đưa Internet về làng, và để người nông dân có thể có "máy di động giắt cạp quần hay không?".

Tập trung suy nghĩ của anh em về hai lĩnh vực này, lúc đó có người nói là: "Thủ trưởng hơi vội, hơi "bốc" trong chuyện này". Nhưng bây giờ nhìn lại, thì phải nói Internet đã về làng thật, và người nông dân bây giờ đi làm đã có người mang máy di động thật.

Như mới đây, di động còn cung cấp cả Internet nữa, thì rõ ràng điều kiện để Internet về làng, Internet phổ cập đến vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo và bưu điện các xã là đương nhiên, là chuyện rất bình thường chứ không phải điều gì quá khó khăn so với khả năng của chúng ta.

Chính vì vậy, chúng ta đã nghe rất nhiều thông tin cảm động, ví dụ như người nông dân bán cá, bán bưởi và những nông sản của mình qua mạng. Và khi mạng lưới Internet bị trục trặc thì người nông dân cũng phản hồi, kêu cứu rất quyết liệt. Nghĩa là, họ đã làm quen với những phương tiện hiện đại này và cảm thấy không thể thiếu được.

Như vậy là chúng ta đã đi quá nhanh trong vấn đề Internet. Báo Bưu điện Băng Cốc (Bangkok Post) có nói rằng, năm 2006, Việt Nam đã thắng Thái Lan số lượng người sử dụng Internet nhiều hơn, và thu hút được Intel đầu tư xây dựng nhà máy chip.

Có thể nói dân trí của người Việt Nam có khả năng tương thích với công nghệ mới rất tốt, và đây là một điều kiện thuận lợi. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, tôi nghĩ chúng ta có thể tăng số người phổ cập Internet lên quãng 50% dân số. Nếu để ý rằng chúng ta có tới 60-70% dân số là lớp trẻ, thì việc đưa Internet đến 60-70% dân số có lẽ cũng là việc không khó.

Đàm phán WTO về viễn thông - Những thời khắc quyết định

* Bộ trưởng có thể chia sẻ về những khó khăn khi đàm phán về viễn thông ở những giai đoạn quyết định trong quá trình gia nhập WTO năm qua?

- Thực ra, có thể nói lĩnh vực BCVT và CNTT là điều kiện mặc cả trong đàm phán của mỗi quốc gia. Quốc gia nào cũng muốn giành phần lớn, chủ động và phần nhiều của mình trong lĩnh vực này. Vì vậy, với các nước, sức ép lớn nhất của họ là đòi thông tin qua biên giới. Với công nghệ hiện nay, nhà khai thác có thể ở một nước khác và khách hàng hoàn toàn ở Việt Nam mà không cần 1 trang thiết bị nào nằm trên đất nước Việt Nam cả.

Vì vậy khi báo cáo Bộ Chính trị, tôi có nói rõ rằng, nếu chúng ta chấp nhận tất cả những điều kiện này thì nói nôm na, trong lĩnh vực BCVT và CNTT không còn tồn tại hình dáng chữ S của đất nước Việt Nam nữa.

Bộ Chính trị cũng như tất cả mọi người đều hiểu rằng đúng là BCVT và CNTT gắn với an ninh đất nước, gắn với chủ quyền một quốc gia, cho nên chỉ đạo của Bộ chính trị sau đó đã nói hết sức chủ động và đồng ý với ý kiến mà bộ BCVT đề nghị: Những điều kiện mặc cả này phải được tính toán nhượng bộ chỉ trong trường hợp "cả gói" chứ không nhượng bộ riêng lẻ. Vì nếu tính riêng lẻ, chẳng hạn đàm phán được viễn thông, người ta lại đi đòi dệt may hay tài chính. Tất cả các vấn đề của quốc gia chỉ nằm chung trong một gói đàm phán ấy. Ta nên gói viễn thông vào chung những vấn đề khác. Nếu tôi nhượng bộ viễn thông một vài điểm này, thì "ông" phải nhượng bộ tôi cái kia.

Trong quá trình đàm phán thực tế đã có những lúc chúng ta phải nhượng bộ. Chẳng hạn, ta đồng ý nâng cho họ tỉ lệ tham gia chuyển phát nhanh lên tới trên 50%, thì buộc họ phải tạo điều kiện cho dệt may của ta. Có nghĩa rằng, không thể đưa lợi ích quốc gia chung mang ra đàm phán cho từng vấn đề, từng ngành riêng lẻ được.

Ngược lại, nếu anh đòi hỏi các vấn đề tài chính ngân hàng quá mức đi thì đương nhiên là viễn thông chỉ đến thế. Nếu theo như họ thả hết cả các dịch vụ này cả viễn thông cả bưu chính chuyển phát rồi CNTT, máy tính rồi cả ngân hàng cả tài chính bảo hiểm... thì mình sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn, nhiều thách thức.

Cái nữa là Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc về sự phát triển, vậy thì nếu những cam kết của chúng tôi bằng hoặc hơn Trung Quốc một chút, (Trung quốc + hay China +), thì phải nói đó đã là sự thiện chí của Việt Nam rồi.

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Nếu chúng ta chấp nhận tất cả những điều kiện mở cửa viễn thông của đối tác đàm phán, thì trong lĩnh vực BCVT và CNTT không còn tồn tại hình dáng chữ S của đất nước Việt Nam nữa." - Ảnh: VNN

Đến cuối cùng thì chúng ta cũng thoả thuận được lộ trình mở cửa, thoả thuận được việc cáp quang chỉ cập bờ của Việt Nam thôi. chủ quyền của nước ngoài chỉ đến đó, còn từ bờ của Việt Nam là do các doanh nghiệp Việt Nam quyết định. Ở các công ty đa quốc gia, tôi có thể cho sóng của các anh đến tận trụ sở các công ty đa quốc gia, nhưng không có nghĩa là đến tận khách hàng người Việt Nam. Nếu muốn đến với khách hàng Việt Nam, họ buộc phải liên doanh liên kết với các doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ quốc tế này. 

* Bộ trưởng có lúc nào phải "to tiếng" với Bộ trưởng Trương Đình Tuyển về một số vấn đề đàm phán WTO về viễn thông không? Nếu có, Bộ trưởng có thể kể lại câu chuyện này?

- Việc nói "cãi nhau" với đoàn đàm phán thì chỉ là cách nói dân dã thôi. Thực ra đấy là tranh luận, vì những người trực tiếp đàm phán thì không thể am sâu về CNTT và viễn thông. Các anh ấy cũng rất chân tình ở chỗ khi có một mong muốn của đối tác đàm phán, tiếp nhận đề nghị phía bên kia, Đoàn đàm phán dự kiến thoả thuận thì đều có hỏi ý kiến Bộ BCVT. Tất nhiên là phía bộ chuyên ngành thì ý kiến sẽ sâu hơn về mặt chuyên môn, và các anh ấy cũng tiếp thu, chứ không đến mức độ "cãi nhau".

Trong việc đàm phán, chúng tôi cũng cử riêng một Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế để tham gia đàm phán WTO từ đầu tới cuối, không bỏ một phiên làm việc nào. Trong quá trình này, tôi cũng đã viết một thư riêng cho Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.

Thư này có hai nội dung: Thứ nhất, tôi ủng hộ đoàn đàm phán nếu có phải ’’nhượng bộ’’ viễn thông thì chỉ chấp nhận trong điều kiện trao đổi cả gói, chứ không phải tách riêng mảng viễn thông để đảm bảo cho lợi ích quốc gia. Thứ hai, trong đàm phán cần lưu ý đến các khía cạnh quản lý chuyên ngành, gắn với bảo đảm an ninh chủ quyền. Việc đảm bảo an ninh này cũng là những cam kết để Việt Nam tham gia các cam kết chống khủng bố. Với những lý lẽ thuyết phục đó, chúng ta đã có những kết quả đàm phán phù hợp, hợp lý.

"2007: Thời cơ để BCVT và CNTT Việt Nam phát triển đột phá!"

* Dự kiến, năm 2007, viễn thông Việt Nam rất sôi động về di động và Internet. Xin Bộ trưởng cho biết những nhận định, dự báo của mình dưới góc độ của một chuyên gia lâu năm về viễn thông?

- Trong năm 2007, có một sự kiện diễn ra ngay trong ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi 2007 (17-2-2007), cả nước sẽ đạt mật độ điện thoại 35 máy/100 dân. Con số này được Nghị quyết đại hội Đảng X đã đặt mục tiêu cho ngành BCVT hoàn thành vào năm 2010.

Như vậy, chúng ta đã về đích sớm 3 năm. Đây là một dấu ấn tương đối mạnh của ngành viễn thông ngay trong đầu năm mới. Để đạt được mục tiêu này, chủ yếu chúng ta phát triển thuê bao di động. Đồng thời, trong năm nay, với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, mục tiêu đặt ra là tốc độ phát triển từ 150 đến 200% số lượng thuê bao hiện có.

Thứ hai, về dịch vụ băng rộng, chất lượng băng rộng sẽ phải đi vào thiết thực hơn. Không những doanh nghiệp phải đăng ký chất lượng công khai, cung cấp thông tin cho khách hàng biết mà Bộ BCVT sẽ đi kiểm tra trực tiếp.

Nhờ dịch vụ băng rộng phát triển, rất nhiều dịch vụ khác, đặc biêt là các dịch vụ hội tụ sẽ phát triển, trong đó có phát thanh, truyền hình trực tuyến. Trên màn hình TV, mọi người có thể vào mạng, gửi thư điện tử và mua bán qua mạng. Đồng thời trên máy tính, khi vào Internet chúng ta cũng có thể xem các kênh phim, chương trình truyền hình và nghe đài.

Thứ nhất, thuê bao di động phát triển trong năm 2007 dự kiến sẽ tăng gấp đôi hiện tại. Thứ hai, băng rộng phát triển mạnh mẽ trên cả thiết bị có dây và không dây. Nhờ đó, hệ quả thứ ba là các dịch vụ sẽ hội tụ rất mạnh, cả về viễn thông, Internet phát thanh và truyền hình.

Hệ quả thứ tư là sự phối hợp công nghệ của cố định và di động rất mạnh, tạo ra khả năng thông tin ở Việt Nam mọi lúc mọi nơi, giúp thu ngắn khoảng cách số giữa vùng nông thôn và thành thị của Việt Nam. Thông tin sẽ có được cho mọi người dân Việt Nam.

Với các mục tiêu này, Bộ cũng sẽ đặt ra nhiệm vụ nghiêm ngặt về an ninh, an toàn mạng. Nếu không bảo đảm được nhiệm vụ này, Việt Nam sẽ không thể thực hiện được Chính phủ điện tử và thương mại điện tử phát triển dù hạ tầng mạng hiện đại.

Đây cũng là năm kích thích cho những dịch vụ nội dung, công nghiệp nội dung phát triển. Có làm được như vậy, chúng ta mới sử dụng hiệu quả được mạng lưới băng rộng, và CNTT mới thực sự đi vào cuộc sống, vào thương mại điện tử, chính phủ điện tử, y tế từ xa, vào E-learning...

Trong năm nay, chúng ta cũng cần đặt ra nhiệm vụ tạo sự an tâm cho khách hàng. Tôi tạm gọi đó là nhiệm vụ 3 A: An ninh, An toàn mạng và An tâm.

* Thưa bộ trưởng, công nghệ CDMA với kết nối băng rộng không dây có thể triển khai với chi phí thấp hơn điện thoại cố định. Vậy mục tiêu phổ cập Internet tới nông thôn bằng cách kéo cáp đồng có trở nên lạc hậu?

- Mạng CDMA 450 Mhz có đặc điểm thuận lợi cho việc phát triển mạng viễn thông băng rộng với khoảng cách xa, với giá rẻ. Với cả mạng di động công nghệ GSM và CDMA, nếu được cho phép cung cấp dịch vụ di động nội vùng, sẽ phát triển mạnh hơn tại vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, nếu nhìn một đất nước phát triển về viễn thông, di động không phải tất cả. Cố định có một ưu điểm đặc biệt, nhất là đối với vùng núi, và vùng sâu, vùng xa. Nếu có máy cố định, người nông dân không phải lo lắng về nguồn điện cho điện thoại, vì nhà khai thác sẽ cung cấp nguồn điện này từ trên tổng đài. Trong khi, với mạng vô tuyến, dù trong nhà hay di động, phải có nguồn điện. Vì thế, dù phát triển di động đến mấy, cũng không thể triệt tiêu được điện thoại cố định, nhất là trong mỗi gia đình.

Tuy nhiên, giá cước di động càng ngày càng rẻ, đến mức độ, doanh nghiệp bị lỗ khi cung cấp dịch vụ cố định nhưng vẫn phải làm. Giải quyết bài toán này, chúng ta đã có Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho DN, bù lỗ khi đưa điện thoại tới vùng sâu, vùng xa.

Điện thoại cố định, nếu đưa vào đường dây băng rộng, mỗi nhà dân sẽ có cáp quang, trên đó có tất cả điện thoại, Internet, truyền hình cáp, truyền hình số. Đây là sự hội tụ. Bộ BCVT đang khuyến nghị doanh nghiệp lắp đặt đường cáp quang hoặc dây đồng tiêu chuẩn cho dịch vụ ADSL. Di động thì người dân cầm theo người, trong khi, người ở nhà vẫn cần điện thoại cố định trong nhà.

Năm qua, khi Bộ khuyến khích phát triển điện thoại cố định, riêng VNPT trong năm đã phát triển mới được 1,2 triệu máy. Điều này rất có ý nghĩa vì chúng ta vẫn đi lên hiện đại, nâng mức sử dụng phổ thông, trong khi cung cấp thêm các dịch vụ khác, khi có điều kiện đưa cáp quang vào tận nhà. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ hội tụ, tạo ra sự tự động hoá tới từng gia đình: Người đến thăm nhà sẽ tự động được ghi hình lại, cước phí điện lực bao nhiêu cũng được ghi lại... Lúc đó, cố định lại "lên ngôi" ở trong nhà, còn di động phát triển bên ngoài đường. Di động và cố định lúc đó sẽ đều phát huy được theo đúng ý nghĩa của nó.

Các tổng đài của chúng ta cũng sẽ phát triển tới một giai đoạn hội tụ giữa cố định và di động, khó phân biệt đâu là tổng đài cố định, đâu là di động, đâu là chuyển mạch, đâu là truyền dẫn. Như vậy khi đến thời điểm công nghệ hội tụ, chúng ta có những tính toán hiệu kinh tế quả nhất, thì người dân sẽ được sử dụng những dịch vu an toàn nhất, hiệu quả nhất. Đảm bảo cho đồng tiền ảo của họ khi chuyển qua mạng vẫn được bảo toàn như trong tài khoản ngân hàng.

"2007 phải là năm của chất lượng dịch vụ viễn thông thiết thực!" - Ảnh: VNN
* Những vấn đề còn tồn tại của năm 2006 khiến bộ trưởng còn trăn trở và kỳ vọng sẽ được giải quyết trong năm 2007?

- Thứ nhất, Năm 2007 phải là năm của chất lượng dịch vụ thiết thực, trên thực tế, không phải chỉ là lời doanh nghiệp quảng cáo. Chất lượng được doanh nghiệp đăng ký với Bộ và khách hàng. Bộ BCVT sẽ đi kiểm tra để đảm bảo khách hàng được sử dụng dịch vụ có hiệu quả, có chất lượng của công nghệ cao.

Thứ hai, sau khi có sự hợp tác nước ngoài, các doanh nghiệp công nghiệp trong nước phải nhanh chóng chớp thời cơ này để phát triển công nghiệp công nghệ cao trong nước. Công nghiệp CNTT của Việt Nam dựa vào các chip đa năng của thế giới, nhưng chúng ta phải thiết kế, viết được ra các phần mềm cho máy tính Việt Nam. Như vậy, hợp tác quốc tế, phân công lao động, và trí tuệ Việt Nam phải tạo ra được sản phẩm của Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta phải có bước tập trung hết sức cho đảm bảo an ninh mạng. Chất lượng dịch vụ gắn liền với an ninh mạng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ còn có thể phát triển từng bước, nhưng an ninh mạng thì cần phải nhanh chóng phát triển ngay và cần một lực lượng đủ mạnh để có thể đảm bảo an toàn thông tin, nhất là trong các hoạt động dịch vụ tài chính được triển khai trên mạng.

Bình Minh

Theo VietNamNet
  • 61