Nhiệt độ nước biển tại Thái Bình Dương tăng cùng với việc dòng hải lưu nóng di chuyển về hướng Đông đã làm tăng mối quan ngại rằng hiện tượng El Nino xảy ra trong năm nay sẽ có cường độ mạnh nhất trong vài thập kỷ qua.
>>> El Nino ngày càng tồi tệ do nhiệt độ tăng
Đây là kết luận của Tiến sỹ Wenju Cai, chuyên gia thời tiết tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (ACSIRO), sau khi nghiên cứu dữ liệu của cơ quan phụ trách về khí quyển và đại dương của Mỹ.
Theo Tiến sỹ Wenju Cai, các hiện tượng bất thường như gió nóng đã liên tiếp xảy ra trong vài tháng qua. Đây được gọi là những tác động tiên quyết khi mà hệ thống khí quyển đã quá nóng sẽ sinh ra hiện tượng El Nino mạnh.
Trong khi đó, các nhà khí tượng học nói rằng viễn cảnh của hiện tượng El Nino sẽ được khẳng định trong vòng 1-2 tháng tới, mặc dù việc dự báo sức mạnh của hiện tượng thời tiết này là rất khó.
Hiện tượng El Nino được cho là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng ở Colombia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mới đây, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cũng cho biết phần lớn các mô hình dự báo thời tiết đều chỉ ra rằng El Nino có thể phát triển vào giữa năm nay, song vẫn còn quá sớm để đánh giá sức mạnh của nó.
Trước đó, Cục Khí tượng Australia ngày 8/4 đánh giá tỷ lệ El Nino tiến triển trong năm 2014 đã vượt 70%. Cơ quan này dự kiến công bố bản báo cáo về viễn cảnh của hiện tượng thời tiết El Nino vào ngày 6/5 tới, trong khi cơ quan khí tượng của Nhật Bản cũng sẽ cập nhật dự báo trong vài tuần tới. Hiện tượng El Nino với cường độ mạnh làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với việc sản xuất các nông sản chính tại châu Á và Australia.
El Nino là hiện tượng thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, xảy ra mỗi 2-7 năm/lần, khi các cơn gió mậu dịch (gió mạnh thổi liên tục từ Đông Nam hoặc Đông Bắc về hướng xích đạo) bắt đầu suy yếu.
Hiện tượng thời tiết bất thường này khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô.... ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống người dân.
Hiện tượng này từng gây ra những đợt hạn hán nghiêm trọng ở Australia, Indonesia và Nam Mỹ; gây ngập lụt ở Peru, Ecuador; mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu, gió mùa ở Đông Á và bão ở Caribbe.