250 "kẻ xâm lược "từ thiên hà khác đang bay qua gần Trái đất

  •   55
  • 19.546

Một dòng suối không gian hùng vĩ chứa 250 ngôi sao không thuộc thiên hà chứa Trái đất đang chảy ngay trong khu vực lân cận Hệ Mặt trời.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Lina Necib từ Viện Vật lý lý thuyết Walter Burke thuộc Viện Công nghệ California (Caltech – Mỹ) đã phân tích các ngôi sao xâm lược bí ẩn và phát hiện ra rằng chúng không hề cố ý hiện diện. Chúng là một "nạn nhân" của Milky Way – thiên hà chứa Trái đất – trong những năm tháng nó còn là một "quái vật vũ trụ".

Là một thiên hà thuộc hàng vĩ đại trong vũ trụ, Milky Way từng có cuộc đụng độ và "ăn thịt" nhiều thiên hà bé nhỏ hơn. Nhiều ngôi sao và hành tinh vẫn sống sót sau các vụ chạm trán và trở thành kẻ lang thang trong thiên hà mới. Tuy nhiên, thành phần và sự chuyển động của chúng vẫn khác biệt hoàn toàn so với các loại sao do Milky Way sinh ra, bởi mỗi thiên hà cung cấp vật chất khác nhau cho các ngôi sao và hành tinh của mình.

Ảnh mô tả phần đĩa sáng của Milky Way bị khuấy động bởi các dòng suối sao.
Ảnh mô tả phần đĩa sáng của Milky Way bị khuấy động bởi các dòng suối sao.

Ngoài ra, một số ngôi sao sẽ được sinh ra trong quá trình các thiên hà hợp nhất, mang đặc tính của cả thiên hà Milky Way lẫn "thiên hà ảo" đã bị nó nuốt chửng.

Bằng một phương pháp theo dõi chuyển động, các nhà khoa học Caltech đã phân loại được 2 nhóm sao kể trên với các ngôi sao do Milky Way tự sinh ra, sau đó tạo nên các mô hình sinh học sâu, để tìm hiểu về chúng.

Đa số các ngôi sao trong dòng chảy thiên thể vĩ đại vừa được phát hiện thuộc về "xúc xích Gaia", phần còn lại của một thiên hà lùn đã bị thiên hà chứa Trái đất nuốt khoảng 6-10 tỉ năm trước. Lý do của cái tên có phần buồn cười của nhóm sao đó là chúng có quỹ đạo hình… xúc xích. Ngoài ra, một số sao lớn khác thuộc nhóm Helmi Stream, cũng là phần còn lại của một thiên hà lùn khác.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy còn cho biết ngoài việc quay cùng với đĩa Milky Way, 250 ngôi sao nay còn "xuôi dòng" về phía trung tâm thiên hà. Hiện tại, chúng đang chảy ngay vùng lân cận của Hệ Mặt trời, nơi Trái đất của chúng ta trú ngụ.

Cập nhật: 15/07/2020 Theo NLĐ
  • 55
  • 19.546