27/8/2007 Sao Hỏa to như Mặt Trăng?

  •  
  • 2.668

Trong vài ngày qua chắc hẳn trên Yahoo Messager bạn đã đọc được tin nhắn tương tự như thế này: "Sao Hỏa sẽ trở nên sáng nhất trên bầu trời vào ngày 27/8/2007 này. Khi đó, bằng mắt thường nó sẽ giống như một mặt trăng thứ hai. Khoảng cách khi ấy giữa sao Hỏa và trái đất là 35 triệu kilomét. Hãy chú ý đón xem vào lúc 00:30 ngày 27/8, bạn sẽ thấy trên bầu trời có 2 mặt trăng đều to và đẹp như nhau!!! Hãy nói ngay cho bạn bè và người thân của bạn đón xem, vì lần tiếp theo sự kiện này diễn ra là vào năm 2287. Lúc đó không ai ngày nay còn sống để chứng kiến".

Thông tin này còn tràn ngập trên các blog và diễn đàn, mọi người truyền tai nhau để cùng đón xem một hiện tượng thiên văn hiếm gặp.

Trò đùa!

Tin nhắn này là một trong những tin nhắn “đùa cợt” nổi tiếng trên Internet, thậm chí có tên gọi Mars Hoax để dành riêng cho nó (Mars: Sao Hỏa, Hoax: trò chơi xỏ). Nhưng do tính chất thời gian, nó chỉ xuất hiện vào dịp tháng 8 hằng năm, nên khiến cho rất nhiều người tin tưởng nhất là khi nhận được lời nhắn từ chính người thân của mình.

Nhưng tin nhắn này bắt nguồn từ đâu, và tại sao chỉ đến dịp tháng 8 nó mới rộ lên ?

Sự thật.

Nếu bạn là người quan tâm đến thiên văn hoặc là người hay nắm bắt thông tin, hẳn bạn còn nhớ vào một sự kiện vào tháng 8 năm 2003.

Vào tháng 8 năm 2003 Sao Hỏa ở vị trí gần Trái Đất nhất hơn bao giờ hết trong khoảng 60.000 năm với khoảng cách 34.65 triệu dặm.

Trên quĩ đạo quay quanh mặt trời, khi Trái Đất và Sao Hỏa ở vị trí cùng một phía so với mặt trời là thời điểm chúng tiến lại gần nhau. Cứ trung bình khoảng 2 năm thì thời điểm này lặp lại. Nhưng do chu kỳ chuyển động khác nhau và quĩ đạo hai hành tinh có hình elíp nên phải rất lâu thời điểm này mới rơi vào vị trí gần nhất của hai quĩ đạo. (Chu kỳ sao hỏa chuyển động quanh Mặt Trời khoảng 687 ngày).

Ngày 27-8-2003, Sao Hỏa và Trái Đất nằm thẳng hàng theo một phía từ Măt Trời trên hình chiếu quĩ đạo. Thời điểm này lại rơi vào vùng nhau nhất của hai quĩ đạo. Để có lại một lần khác như thế này phải mất hơn 60.000 năm nữa.

Tận dụng cơ hội này các tàu thăm dò Sao Hỏa đã được phóng lên như: NASA với Mars Exploration Rovers chở 2 xe tự hành: Spirit và Opportunity, Cơ quan hàng không Vũ trụ Châu Âu với tàu Mars Express.


Thời điểm và khoảng cách các lần lại gần nhau của Trái Đất và Sao Hỏa
(Ảnh: spacetelescope)

Bao sáng Sao Hỏa?

Sao Hỏa sáng bằng mặt trăng! Đó là điều không tưởng. Xét về độ sáng trong các hành tinh thì sao Hỏa có độ sáng biểu kiến biến động nhất. Bình thường nó chỉ là một ngôi sao sáng màu đỏ nhưng khi lại gần điểm gần Trái đất độ sáng tăng dần lên và có lúc vượt qua Sao Mộc để trở thành vật thể sáng thứ 4 trên bầu trời chỉ sau Mặt Trời Mặt Trăng và Sao Kim (còn gọi là sao Mai, sao Hôm).

Khi sao Hỏa lại gần trái đất chúng ta sẽ rất ấn tượng với một ngôi sao rực sáng màu đỏ. Và là thời điểm thuận lợi để các nhà thiên văn nghiệp dư với các kính thiên văn nhỏ có thể quan sát rõ một số các chi tiết như chỏm băng, màu sắc trên bề mặt của hành tinh này.

Hiện nay khoảng cách giữa hai hành tinh trong các lần tiếp cận nhau của Trái Đất và sao Hỏa ngày càng xa dần và phải đến 284 năm nữa, sau điểm tiếp cận vào năm 2287 khoảng cách này mới bắt đầu thu hẹp lại.

Bao giờ sao Hỏa lại gần Trái Đất?

Đáng ngạc nhiên là ít người biết, theo chu kỳ khoảng 2 năm thì đến 24/12/2007 - năm nay Sao Hỏa lại đến gần Trái Đất, độ sáng biểu kiến của nó hiện nay là 0.6 sẽ tăng lên đến khoảng -1.6 chỉ kém sáng hơn sao Mộc một chút (khoảng -1.8).

Đây là dịp chúng ta định vị quan sát bằng mắt và nhìn qua kính thiên văn để thấy một số các chi tiết của hành tinh “anh em” này .


Sao Hỏa chụp qua kính thiên văn do các bạn của CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TPHCM
chụp vào lần Sao Hỏa lại gần Trái Đất 10-2005 (Ảnh: ttvnol)

Tài liệu tham khảo
[1]
http://www.kidscosmos.org/kid-stuff/mars-oppositions.html  
[2]
http://www.spacetelescope.org/images/html/opo0534l.html  
[3]
http://wwwuser.oat.ts.astro.it/messerotti/Mars2003_Trieste/HTML_Eng/Mars2003_When_Eng.htm

CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TPHCM
Email:
[email protected]
Nguyễn Anh Tuấn

  • 2.668