Mùa đông, việc vệ sinh cho trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận chỉ một phút lơ là cảnh giác khi tắm cho trẻ các mẹ cũng có thể mất con mãi mãi.
Trẻ nhỏ thường rất thích nghịch nước, tắm nhưng nếu người lớn chủ quan, lơ là có thể khiến trẻ tử vong vì ngạt nước ngay trong nhà hoặc điểm trông giữ trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ đang ở độ tuổi tập bò, tập đi mà ngã vào các xô chậu chứa nước, không thể tự đứng dậy được thì khả năng bị ngạt nước là rất cao.
Vì thế, gia đình có trẻ nhỏ không nên chứa nước trong thau chậu, xô. Khi tắm cho trẻ nhỏ không được để trẻ một mình, nhất là khi trong chậu, bồn đầy nước. Người trông trẻ nên học cách sơ cứu ngạt nước cho trẻ nhỏ để giảm tỉ lệ biến chứng hoặc tử vong.
Thời tiết mùa đông thường rất lạnh nên khi tắm cho trẻ bố mẹ hay đặt lò sưởi vào trong nhà tắm. Việc làm này là cần thiết để trẻ đỡ bị lạnh nhưng nếu sơ xuất có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Các thiết bị sưởi bằng điện nếu không được lắp đặt, thiết kế an toàn, dây điện bị hở có thể gây điện giật cho cả bố mẹ và trẻ nhỏ, đặc biệt nguy hiểm khi trong nhà tắm thường luôn ướt át, nhiều nước nên nguy cơ bị điện giật cao hơn.
Trẻ có thể bị ngạt khí trong nhà tắm.
Nguy hiểm hơn, nhiều người còn đặt các lò sưởi bằng than vào trong nhà tắm khi tắm cho trẻ mà lại đóng kín cửa vì sợ gió vào sẽ lạnh. Than đốt sẽ nhả ra khí CO, lại trong phòng kín nên sẽ khiến trẻ nhỏ bị ngạt khí. Vì vậy, tuyệt đối không đặt lò sưởi bằng than khi tắm cho trẻ nhỏ. Các thiết bị sưởi bằng điện cũng phải đảm bảo an toàn tránh điện giật.
Mùa đông lạnh, không phải ngày nào cũng tắm cho trẻ. Thế nên, nhiều người hay có tâm lý "tắm một thể", "tắm nhân tiện" và trẻ nhỏ lại thích được nghịch nước nên bố mẹ để bé tắm rất lâu. Tuy nhiên, kể cả trong phòng kín gió và có thiết bị sưởi cũng không nên để trẻ tắm quá lâu sẽ dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi.
Với trẻ sơ sinh, chỉ nên tắm nhanh trong 2-3 phút, trẻ lớn hơn thì tắm không quá 5 phút. Cần phải chuẩn bị sẵn khăn lau người và quần áo ấm để mặc ngay cho trẻ.
Trong những ngày rất nóng của mùa hè hoặc rất lạnh của mùa đông, trẻ dễ bị các bệnh về da do da trẻ rất nhạy cảm. Các mẹ thường tìm mua các loại lá như lá bồ công anh, hương nhu, kinh giới, hạt mùi, hoa ngũ sắc, nhọ nồi, sài đất... về đun nước tắm cho con để trị rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt. Nhưng được vài ngày thì da trẻ nổi mẩn đó, trẻ sốt, quấy khóc. Cho con đi khám các mẹ mới ngã ngửa con bị viêm da do tắm nước lá.
Tắm nước lá, trẻ bị nhiễm trùng máu.
Bác sĩ Minh Tân (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết chưa có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của tắm nước lá với làn da trẻ nhỏ, tất cả chỉ là kinh nghiệm truyền miệng. Cách tắm này có thể làm cho trẻ bị viêm da, nhất là da trẻ bị trầy xước thì sẽ càng dễ bị ngứa, nổi mẩn đỏ hơn.
Thậm chí, nếu các loại lá mọc bờ bụi bị nhiễm khuẩn hay thuốc bảo vệ thực vật, kể cả có rửa sạch và đun sôi thì vẫn chưa chắc diệt hết mầm bệnh, nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ là rất cao, thậm chí gây nhiễm trùng máu. Hơn nữa, không phải trẻ nào cũng có thể tắm nước lá, đặc biệt là trẻ bị các bệnh ngoài da.
Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá trong ngày, cũng kiêng không tắm cho bé từ 11h – 13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h-10h30 hoặc từ sau 13h đến trước 16h.
Thời gian tắm cho các bé không kéo dài quá 5 phút kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc cho bé ra khỏi chậu, để đảm bảo nước vẫn giữ đủ ấm cho bé. Mùa đông chỉ cần tắm cho bé 2 – 3 lần/tuần.
Nếu nhiệt độ trong nhà quá thấp vào mùa đông, mẹ nên trang bị các thiết bị sưởi ấm như điều hòa, quạt sưởi để không khí ấm áp hơn. Mẹ nhớ đừng để điều hòa hay quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé. Điều này khiến con dễ bị khô da hoặc gây bỏng cho con.
Nếu tắm cho con ở trong nhà tắm, mẹ nhớ đóng kín cửa nhà tắm, cửa sổ. Tránh để các khe có gió lùa. Nên có máy sưởi bật lên cho không khí ấm áp rồi hãy cho con cởi quần áo để tắm.
Trước khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, tất, bao tay để sẵn trên giường, tốt nhất nên làm ấm trước, để khi tắm xong, trẻ mặc luôn vào không bị lạnh.
Dù trời lạnh đến mức nào, mẹ cũng không nên pha nước tắm cho con nóng quá.
Khi tắm cho trẻ vào mùa đông, dù trời lạnh đến mức nào, mẹ cũng không nên pha nước tắm cho con nóng quá. Điều này sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Nhiều bé khi thấy nước nóng quá, lần sau lại không dám xuống tắm nữa.
Mẹ nên dùng khuỷu tay hoặc cổ tay của mình để cảm nhận xem nhiệt độ có thích hợp hay không. Trường hợp mẹ vẫn chưa chắc chắn được độ ấm của nước thích hợp cho con thì có thể dùng nhiệt kế đặc biệt để kiểm tra. Khi pha nước tắm cho con, mẹ nên cho nước lạnh vào trước rồi từ từ cho nước nóng vừa.
Đặt bé nằm trong giường tắm, nếu không có một chiếc giường tắm, mẹ hãy đặt một chiếc khăn dày dưới đáy của bồn tắm để chống trơn. Mực mước mực nước trong chậu chỉ khoảng 8 cm hay nước ngập hết vai khi đặt bé vào.
Rửa mặt của bé bằng nước sạch đầu tiên. Vệ sinh sạch sẽ mắt và mũi của con bằng bông gòn. Và sau đó rửa sạch toàn bộ khuôn mặt của bé với khăn mặt có chất liệu mềm. Chú ý mẹ nên cẩn thận tránh để nước vào mắt trẻ.
Sau khi rửa mặt xong, mẹ tiến hành gội đầu cho con. Lưu ý lau khô đầu ngay sau khi gội sạch, tránh để nước vào tai bé. Khi tắm toàn thân người, mẹ lưu ý phải thao tác nhanh để tránh làm hạ nhiệt, đặc biệt chú ý những vùng có ngấn (nếp gấp) ở cổ, nách,háng phải lau cẩn thận hơn. Nếu đặt trẻ ở tư thế úp sẽ làm trẻ bớt sợ hãi hơn.
Sau khi tắm cho bé xong, đặt bé vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng, sau đó lau người cho bé. Nếu để ý, mẹ sẽ nhận thấy môi bé bị tái đi lúc mới cho ra khỏi chậu và quá trình được mẹ ủ ấm, môi bé sẽ hồng trở lại. Khi thấy môi bé hồng trở lại, hãy từ từ mở khăn, mở đến đâu mặc quần áo cho bé đến đấy.
Khi lau người cho con, mẹ hãy chú ý đến ngực, lưng, mặt nhưng bộ phận rất quan trọng phải lau khô và giữ ấm ngay đó là gan bàn chân.