4 tỉnh thử nghiệm tiềm năng bán khí thải CO<sub>2</sub>

  •  
  • 362

Dự án "tăng cường năng lực quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng" do Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp tài trợ sẽ thử nghiệm đánh giá tiềm năng thực hiện việc bán lượng giảm phát thải CO2. Ước tính, cứ 1kWh điện tương ứng với 0,6245kg CO2.

Ngày 31/5 dự án "tăng cường năng lực quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng cho các sở Công nghiệp" tại 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước đã được khởi động. Dự án này kéo dài 19 tháng kể từ tháng 5/2007 với kinh phí 111.720 Euro.

Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp tài trợ 70%, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enterteam) 10% phần còn lại do các địa phương đóng góp.

Dự án này sẽ đánh giá tiềm năng giảm phát thải CO2, xem các nhà máy trọng điểm của từng tỉnh có đủ điều kiện tham gia vào các chương trình bán lượng giảm phát thải theo các tiêu chuẩn trong Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mechanism - CDM).

Lắp thiết bị tua-bin Nhà máy nhiệt điện. (Ảnh: TTXVN)

CDM là một trong những cơ chế mềm dẻo để các nước giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết tại nghị định thư Kyoto.

Thông qua các hoạt động của dự án, các chuyên gia sẽ tính toán lượng giảm phát thải CO2 của mỗi nhà máy. Các nhà máy sản xuất quy mô vừa và nhỏ có thể giảm phát thải mỗi năm từ 30 - 70 tấn. Còn với các nhà máy sản xuất lớn, lượng khí thải CO2 có thể giảm xuống từ 100 - 150 tấn. Với lượng giảm thải còn quá ít này, các nhà máy sẽ tham gia thử nghiệm phương thức buôn bán lượng khí phát thải mới thông qua thị trường tự nguyện hay các quỹ đền bù phát thải tự nguyện.

Hình thức mua bán này cũng tương tự như mua bán "Giấy chứng nhận giảm phát thải" (The Certified Emissions Reductions - CERs) của quy trình CDM thông thường, nhưng chi phí giao dịch không cao.

Hiện nay, cho dù đã được kiểm toán năng lượng, nhiều nhà máy vẫn chưa thực hiện được những khuyến cáo về tiết kiệm năng lượng. Chủ yếu các nhà máy quản lý mức tiêu thụ năng lượng dựa vào các hoá đơn tiền điện hay khí đốt, chứ không có biện pháp quản lý năng lượng một cách hệ thống.

Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực quản lý cho Sở Công nghiệp các tỉnh để phát triển các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, dự án sẽ đào tạo nhân lực cho 4 sở Công nghiệp.

Ngoài ra dự án sẽ giúp 4 sở Công nghiệp trên lập một đường chuẩn tiêu thụ năng lượng của ngành. Từ đó, các sở sẽ xây dựng các công cụ quản lý như biểu mẫu, cách thức lấy số liệu, phản hồi cho doanh nghiệp để so sánh mức tiêu thụ năng lượng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 do Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt ngày 14/4/2006 là phấn đấu tiết kiệm từ 3 - 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010.

Hương Cát

Theo VietNamNet
  • 362