5 bước đề phòng hỏa hoạn ngày cận Tết

  •  
  • 320

Phải kiểm tra điện và thiết bị điện trước khi đi ngủ. Quản lý các vật liệu dễ cháy trong nhà, đảm bảo có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

Những vụ cháy liên tục gần đây ở đường Trần Quốc Thảo (TP HCM), Lê Chân (Hải Phòng) đều do nguồn cháy bùng phát từ trong nhà. Sau đây là 5 bước kiểm tra đơn giản để kiểm soát nguồn cháy nổ từ chuyên gia an toàn, bác sĩ Quản Hồng Đức.

1. Lưu ý kiểm tra điện và thiết bị điện trước khi bạn đi ngủ ban đêm

Điện là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ, đặc biệt là vào ban đêm. Lưu ý, không sử dụng dây điện, ổ cắm điện bị hư hỏng hoặc đấu nối. Các đầu nối khi tiếp xúc không tốt sẽ gây ra tia lửa điện hoặc phát sinh nhiệt gây cháy.

Nên sử dụng ổ cắm điện, phích cắm điện được sản xuất bởi các hãng uy tín, cần kiểm tra để đề phòng quá tải. Có thể sử dụng mu bàn tay khô đặt nhẹ vào bề mặt nhựa của ổ cắm để cảm nhận độ nóng hơn so với bình thường. Khả năng cháy do quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

5 bước đề phòng hỏa hoạn ngày cận Tết
Thường xuyên kiểm tra các công tắc, mối nối của các thiết bị điện trong nhà. (Ảnh: Khánh Ly)

Tắt các thiết bị có mô-tơ chạy bằng điện nếu có thể. Nếu không thể tắt chúng, phải chắc chắn rằng mô-tơ đang chạy không bị sự cố làm ngừng chạy bất ngờ như bị nghẽn, kẹt... Trên thực tế, điện năng nếu không chuyển hóa thành cơ năng thì sẽ chuyển thành nhiệt năng và gây cháy.

Lồng quạt không chỉ để bảo vệ trẻ em, ngăn các bé thò tay vào quạt đang chạy, nó còn là thiết bị bảo vệ cánh quạt khi đang quay, đảm bảo cánh quạt không bị kẹt, vướng vào quần áo, mùng… gây dừng lại. Nếu cánh quạt dừng lại do bị kẹt, vướng đồ vật xảy ra trong một khoảng thời gian đủ lâu, mô-tơ sẽ cháy và có thể gây hỏa hoạn. Với thiết bị máy điều hòa, đảm bảo không gian thông thoáng cho cục nóng của máy điều hòa. Đảm bảo quạt thông gió cục nóng máy điều hòa không bị kẹt. Định kỳ vệ sinh cục nóng máy điều hòa.

2. Quản lý các vật liệu dễ cháy trong nhà

Tốt nhất là không nên cất giữ các vật liệu dễ cháy, chất cháy trong nhà. Nếu gia đình thực sự có nhu cầu, hãy sử dụng hết và không cất giữ chúng. Giấy, vải… tuyệt đối không để gần nguồn nhiệt. Đừng bao giờ cất giữ vật liệu cháy ở trên hành lang, lối đi, cửa thoát hiểm, trong phòng ngủ.

3. Luôn đảm bảo có lối, cửa thoát hiểm

Đừng để vật dụng cản trở lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm. Nếu nhà biệt lập và vì lý do an ninh cần làm hàng rào bảo vệ thì phải chắc chắn bạn thiết kế cửa thoát hiểm trên hàng rào. Có thể khóa cửa thoát hiểm để chống trộm nhưng bạn cần chắc chắn mọi người đều biết nơi để chìa khóa.

4. Bình cứu hỏa hoặc thiết bị chữa cháy

Nên tự trang bị bình cứu hỏa xách tay cho căn hộ của mình. Bạn cũng cần biết cách sử dụng bình cứu hỏa và hướng dẫn mọi người trong gia đình cách sử dụng. Bình cứu hỏa nên để ở vị trí dễ lấy. Đừng bao giờ để bình cứu hỏa ở nơi có nguy cơ cháy cao, ví dụ góc bếp. Nếu ở chung cư, bạn cần chắc chắn biết nơi để bình cứu hỏa, ví dụ hành lang, hốc tường.

5. Phương án ứng phó và sơ tán khẩn cấp

Chúng ta thường chủ quan mình có khả năng phản ứng kịp thời, nhưng nếu bạn choàng tỉnh dậy ban đêm vì sự cố cháy trong căn hộ của mình thì sao? Lúc này sự sợ hãi sẽ làm bạn “sững sờ” “ngừng phản ứng”. Do vậy tốt nhất nên chuẩn bị một vài phương án ứng phó và sơ tán khẩn cấp nếu có sự cố cháy, nổ trong căn hộ. Càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, nhận thức càng sáng suốt bấy nhiêu trong tình huống khẩn cấp.

Hãy hướng dẫn phương án ứng phó và sơ tán cho mọi thành viên trong gia đình, kể cả người giúp việc của bạn.

Theo Vnexpress
  • 320