Vào ngày 16/7 vừa qua, nước bắt đầu chảy vào thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, trong một siêu dự án dẫn nước lớn được xây trong hơn một thập kỷ.
Đó chính là một đường hầm khổng lồ dẫn nước sông Hàn Giang – Vị Hà. Đây cũng là công trình thuộc siêu dự án bảo tồn nước lớn nhất ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Siêu dự án bắt đầu được xây dựng từ năm 2011 và vừa hoàn thành sau hơn một thập kỷ với chi phí khoảng 7,2 tỷ USD.
Theo CGTN đưa tin, dự án này được xây dựng nhằm đưa nước từ Hàn Giang, một nhánh lớn của sông Dương Tử thông qua đường hầm dài tới 98,3km đến 4 vùng đô thi đông dân cư ở ven sông Vị Hà, một nhánh của sông Hoàng Hà, với nỗ lực giúp giảm bớt áp lực cung cấp nước.
Siêu dự án vượt qua nhiều thách thức về địa chất
Cận cảnh công trình dẫn nước dẫn nước sông Hàn Giang – Vị Hà sau hơn một thập kỷ xây dựng.
Các chuyên gia cho biết, phần thách thức nhất của dự án này chính là xây dựng đường hầm chạy ngầm từ nam sang bắc và ở bên dưới dãy núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây. Theo đó, các kỹ sư và nhiều công nhân xây dựng đã phải làm việc dưới lòng đất 2 km, chịu đựng độ ẩm, nhiệt độ cao, đồng thời vượt qua các điều kiện địa chất khắc nghiệt khác như đá cứng gồ ghề, những vụ lở đá và đặc biệt là dòng chảy nước ngầm mạnh.
Sau hơn một thập kỷ xây dựng với nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, địa chất, dự án dẫn nước này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại lợi ích cho hơn 14 triệu người và giúp tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên nước ở tỉnh Thiểm Tây.
Theo Cục quản lý tài nguyên nước của tỉnh Thiểm Tây cho biết, dự án này đã hoàn thành giai đoạn một và bước vào giai đoạn hai. Sau khi hoàn thành, đường hầm dẫn nước sẽ vận chuyển nước từ sông Hán Giang đến Tây An, Hàm Dương, Vị Nam và Dương Lăng ở trung tâm tỉnh Thiểm Tây nhằm cung cấp nước cho cả khu công nghiệp và dân cư. Dự án được đầu tư hàng tỷ USD này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh Thiểm Tây.
Dự án dẫn nước hai dòng sông lớn nhất ở Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3.
Ông Chen Zuyu, một chuyên gia tại Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết rằng việc hoàn thành đường hầm dẫn nước trên là một chiến thắng của công nghệ và sự kiên trì. Vị chuyên gia này khẳng định rằng dự án dẫn nước này rất lớn, dài hạn và khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
"Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật khoan nổ mìn kết hợp với việc dùng máy móc để tạo đường hầm hơn 90 km, quá trình thật sự rất gian nan. Chúng tôi đã trải qua hầu hết những biến động của địa chất, trong đó bao gồm đất đá cứng, địa hình cao, việc thi công ở nhiệt độ cao gây khó chịu, hay thậm chí là gặp phải những dòng nước chảy xiết và sạt lở", ông Chen chia sẻ thêm.
Đây không phải là siêu dự án dẫn nước hoành tráng duy nhất của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng dự án dẫn nước từ sông Dương Tử đến sông Hoài trong vòng 6 năm. Dự án đặc biệt này bắt đầu được khởi công xây dựng vào năm 2016 và đi vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2022 với sự tham gia của hơn 20.000 công nhân.
Siêu dự án dẫn nước từ sông Dương Tử đến sông Hoài dài 723 km và đã đi vào vận hành thử nghiệm từ cuối năm 2022.
Với chiều dài 723km, dự án cung cấp nước cho 15 thành phố ở tỉnh An Huy và tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), giúp mang lại lợi ích cho hơn 50 triệu người. Bên cạnh việc cung cấp nước và phát triển vận tải, dự án dẫn nước này cũng phục vụ cho tưới tiêu và giúp cải thiện môi trường sinh thái của dòng sông Hoài và hồ Sào.
Đặc biệt, với sự tiến bộ của công nghệ, người dân sống ở những nơi thiếu nước giờ đây có thể sử dụng nguồn nước được dẫn từ sông Dương Tử.