3 thành phố New York, London và Paris đang dẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố thông minh nhất thế giới, theo một xếp hạng thường niên của Trường Kinh doanh IESE, Đại học Navarra, Tây Ban Nha.
Báo cáo này đã khảo sát 165 thành phố thuộc 80 quốc gia và phân tích, đánh giá dựa trên 9 phương diện: vốn nhân lực, gắn kết xã hội, kinh tế, môi trường, quản trị, quy hoạch đô thị, tiếp cận quốc tế, công nghệ, tính di động và giao thông vận tải.
10 thành phố đứng đầu danh sách trải tương đối đều cho cả Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Amsterdam được xếp hạng thứ 10 trên bảng đánh giá các thành phố thông minh trên thế giới và xếp hạng thứ 4 ở khu vực Tây Âu.
Thủ đô của Hà Lan được đánh giá là xếp thứ 3 về công nghệ, thành phố xếp thứ 6 về tiếp cận quốc tế và là thành phố xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng thế giới về quy hoạch đô thị.
Trong dự án thành phố thông minh của Amsterdam, chính quyền thành phố đã hợp tác với các doanh nghiệp và tập đoàn địa phương để thử nghiệm những giải pháp bền vững trên Utrechtsestraat - đại lộ mua sắm chính của thành phố, bao gồm tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải, giúp cắt giảm 10% mức năng lượng cần sử dụng ở Utrechtsestraat.
Hong Kong trở nên nổi bật và chiếm vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng nhờ chỉ số đổi mới cao: gần như 100% dân số có điện thoại di động và thành phố này có số lượng điểm truy cập mạng không dây cao trong top toàn cầu.
Hong Kong cũng có số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội khá cao. Bên cạnh đó, thành phố này cũng triển khai một hệ thống ID điện tử mới như một phần trong kế hoạch thành phố thông minh của mình.
Thành phố Toronto ở Canada đã có những bước tiến triển đáng kể trong nỗ lực trở thành thành phố thông minh. Thành phố đã được công nhận nhờ sự quản lý và quy hoạch đô thị mạnh mẽ.
Sidewalk Labs (thuộc sở hữu của Alphabet Inc. - công ty mẹ của Google) và cơ quan do chính phủ Canada hậu thuẫn - Waterfront Toronto đang hợp tác để hồi sinh khu đất hoang công nghiệp ở phía đông trung tâm thành phố với dự án mang tên Quayside.
Với dự án này, hai bên sẽ tập trung xây dựng thành phố thông minh bao gồm các phương tiện thân thiện với môi trường - chỉ sử dụng điện năng thay vì nguyên liệu hóa thạch, các tòa nhà với những ứng dụng linh hoạt, tiện nghi và hệ thống phân phối và xử lí nước thải tự động.
Thủ đô của Hàn Quốc đã được IESE xếp thứ 7 trên bảng xếp hạng các thành phố thông minh nhất thế giới.
Vào tháng 3 vừa qua, chính quyền thành phố Seoul tuyên bố sẽ lắp đặt 50.000 cảm biến thông minh Internet of Things (IoT) trên toàn thủ đô vào năm 2020 để thu thập thông tin về bụi mịn, giao thông và các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, trong năm nay, thành phố cũng có kế hoạch giới thiệu dịch vụ đỗ xe chung sử dụng cảm biến IoT để cho phép người dân kiểm tra tính khả dụng của bãi đỗ xe công cộng.
Singapore đã đạt được sự công nhận cho những nỗ lực xung quanh công nghệ, quản trị, tiếp cận quốc tế và bảo vệ môi trường.
Thành phố đã triển khai một hệ thống giao thông gọi là One Monitoring, một cổng thông tin toàn diện, theo đó người dân có thể truy cập thông tin giao thông được thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS.
Ngoài ra, Singapore cũng đã triển khai hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin theo thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe. Năm 2015, thành phố cũng đã giới thiệu các thùng rác thông minh như là một phần của chương trình quản lý chất thải thông minh.
Thủ đô Reykjavik của Iceland được xếp ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng thành phố thông minh. Thành phố được đặc biệt khen ngợi vì các sáng kiến thành phố thông minh về môi trường, giành được vị trí hàng đầu trong hạng mục này. Ví dụ, thành phố gần đây đã quảng cáo một ứng dụng giao thông công cộng cho xe buýt thành phố gọi là Straetó. Ứng dụng đã được tải xuống 85.000 lần và đã thành công trong việc khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thường xuyên hơn.
Thủ đô Iceland đã cố gắng vận động người dân tham gia vào các kế hoạch của mình thông qua một diễn đàn tư vấn trực tuyến có tên Better Reykjavik - nơi người dân có thể trình bày ý tưởng của mình về các dịch vụ và hoạt động của thành phố.
Tokyo là thành phố thông minh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Là một trong những khu vực đô thị phổ biến nhất trên thế giới với tỷ lệ năng suất lao động cao, thành phố đặc biệt nổi bật trong bảng xếp hạng về kinh tế và nguồn nhân lực.
Tokyo đã được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2020, thành phố dự định sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để cải thiện an ninh trong khi taxi không có tài xế dự kiến sẽ chở các vận động viên và khách du lịch từ nơi này sang nơi khác.
Thủ đô của Pháp đã được công nhận nhờ những nỗ lực của thành phố trong việc tiếp cận quốc tế cũng như trong lĩnh vực di chuyển và vận chuyển.
Ví dụ, thành phố hiện đang trong giai đoạn phát triển hệ thống tàu điện Grand Paris, bao gồm đường tàu điện ngầm tự động hoàn toàn kéo dài 127 dặm và 68 nhà ga mới. Đến năm 2050, thành phố cũng sẽ thay thế toàn bộ 4500 chiếc xe buýt bằng xe điện hoặc xe chạy bằng khí đốt tự nhiên.
London là thành phố thông minh đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng thế giới. Đây là thành phố đông dân nhất ở Anh và cũng là một trung tâm đầu não trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thương mại, giáo dục, giải trí, thời trang, tài chính, truyền thông, nghiên cứu, du lịch và giao thông.
Báo cáo của IESE nhấn mạnh London là thành phố có nguồn nhân lực tốt nhất, và thành phố cũng được công nhận về hệ thống giao thông, khả năng tiếp cận quốc tế, kinh tế, quản trị, công nghệ và quy hoạch đô thị.
Đây là năm thứ 2 New York đứng ở vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng các thành phố thông minh nhất thế giới.
Với dân số hơn 8,5 triệu người, thành phố New York sử dụng 1 tỷ gallon (khoảng 3,8 tỷ lít) nước mỗi ngày. Là một phần trong kế hoạch thành phố thông minh của mình, Cục Bảo vệ Môi trường thành phố đang triển khai hệ thống Đọc đồng hồ tự động (Automated Meter Reading) quy mô lớn để có được thông tin nhanh hơn về mức tiêu thụ nước, đồng thời cung cấp cho khách hàng một công cụ hữu ích để kiểm tra lượng nước sử dụng mỗi ngày.
Thành phố cũng đã bắt đầu sử dụng các thùng rác thông minh, chạy bằng năng lượng mặt trời để theo dõi mức độ xả rác và đảm bảo việc thu gom rác được thực hiện thường xuyên.
Nhìn chung, bảng xếp hạng không có nhiều sự thay đổi so với năm trước, ngoại trừ việc Amsterdam đã vươn lên vị trí thứ 10 và đẩy Berlin xuống hạng 11 để có mặt trong top 10. Trong 2 năm vừa qua, một số thành phố đã có sự tiến bộ rõ rệt, điển hình như Milan đã vượt lên 13 hạng để giành lấy vị trí thứ 45, Helsinki đã vượt lên 9 hạng để lên vị trí thứ 22 nhờ sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân lực, và Barcelona đã vượt lên 9 hạng đến vị trí thứ 26.
Châu Âu là châu lục có nhiều ứng cử viên trong bảng xếp hạng nhất - 12 trên tổng số 25 thành phố dẫn đầu bảng. Theo sau đó là Bắc Mỹ với 6 thành phố, châu Á với 4 thành phố (tất cả đều nằm trong top 10) và châu Đại dương với 3 thành phố. Thành phố thông minh nhất của châu Phi là Tunisia, xếp thứ 134 trong bảng xếp hạng.
Báo cáo của IESE nhấn mạnh rằng việc đạt được sự cân bằng trong các lĩnh vực khác nhau là một quá trình phức tạp và đòi hỏi một tầm nhìn bao quát. Như trường hợp của Montevideo, Bangkok, Kiev và Doha, tất cả đều nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng - vì đây là các thành phố “không cân bằng”.