6 tháng bay vào vũ trụ gây loãng xương bằng 20 năm ở Trái đất

  •  
  • 225

Một nghiên cứu mới về tình trạng loãng xương ở phi hành gia cho thấy các phi hành gia bay vào vũ trụ khoảng 6 tháng có mức loãng xương gần như một người lớn tuổi bị bệnh này trong 20 năm.

Theo Hãng tin Reuters, nghiên cứu trên được thực hiện với 17 phi hành gia từng làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong đó có 14 nam và 3 nữ. Các phi hành gia có tuổi trung bình là 47 và từng tham gia các nhiệm vụ du hành kéo dài từ 4 đến 7 tháng.


Du hành vũ trụ đặt ra nhiều thách thức khác nhau đối với cơ thể con người - (Ảnh: REUTERS)

Nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về tình trạng loãng xương ở các phi hành gia này do điều kiện không trọng lực trong không gian gây ra, cũng như khả năng lấy lại mật độ khoáng của xương sau khi họ trở về Trái đất.

Nghiên cứu cho thấy, một năm sau khi trở về Trái đất, trung bình các phi hành gia có biểu hiện giảm 2,1% mật độ khoáng ở xương chày (một xương ở cẳng chân) và giảm 1,3% sức mạnh của xương.

Chín người trong số họ không thể phục hồi mật độ khoáng xương sau chuyến bay vũ trụ, bị loãng xương vĩnh viễn.

"Chúng tôi biết rằng các phi hành gia bị loãng xương khi du hành trong thời gian dài. Điểm mới của nghiên cứu này là chúng tôi theo dõi các phi hành gia trong một năm sau chuyến du hành vũ trụ của họ để hiểu liệu xương có phục hồi hay không", giáo sư Leigh Gabel của Đại học Calgary (Canada) cho biết. Ông Gabel là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports này.

Vị chuyên gia trên cho biết các phi hành gia bị loãng xương đáng kể trong khoảng 6 tháng bay vào vũ trụ. Mức độ loãng xương này tương đương với một người lớn tuổi ở Trái đất bị loãng xương trong suốt 20 năm. "Họ chỉ phục hồi được khoảng một nửa mật độ xương sau một năm trở lại Trái đất", ông Gabel nói.

Tình trạng loãng xương trong không gian xảy ra do mất đi trọng lực, xương không được "rèn luyện" để nâng đỡ cơ thể như khi ở Trái đất.

Nghiên cứu này cho thấy các cơ quan vũ trụ cần cải thiện biện pháp đối phó với vấn đề trên, điển hình là chế độ tập thể dục và dinh dưỡng cho phi hành gia.

Nhóm nghiên cứu không tiết lộ quốc tịch các phi hành gia tham gia, nhưng cho biết họ đến từ Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Canada, Cơ quan Không gian châu Âu và Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản.

Cập nhật: 10/07/2022 Tuổi Trẻ
  • 225