7 phương pháp làm mát Trái Đất độc đáo

  •   52
  • 3.726

Sử dụng phương pháp geoengineering (công nghệ địa cầu) như "chọc" cho núi lửa phun sulfur, tạo mây bằng tàu thủy, gieo sắt vào lòng đại dương... có thể làm nhiệt độ Trái đất giảm xuống.

Những ý tưởng độc đáo nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu

Liệu chúng ta có thể chống lại biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi khí hậu? Câu trả lời nằm ở công nghệ địa cầu - sử dụng các ứng dụng công nghệ nhằm tác động thuộc tính của Trái Đất, bao gồm cả khí hậu.

Theo báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Anh, nếu con người không nỗ lực giảm thiểu lượng khí nhà kính thải ra thì chúng ta sẽ phải dùng đến geoengineering để làm mát Trái Đất.

Tuy nhiên, các phương pháp này có rủi ro liên quan tới hiệu quả, chi phí kinh tế và tác động đến môi trường.

Nhiều kỹ thuật geoengineering đã được thảo luận tại Hội nghị quốc tế Asilomar về công nghệ can thiệp vào khí hậu diễn ra tại Pacific Grove, California, Mỹ. Lần đầu tiên, hội nghị cố gắng đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo cho hành động đạo đức trong nghiên cứu geoengineering.

Samuel Thernstrom, đồng giám đốc Dự án Geoengineering tại AEI - viện nghiên cứu chính sách cho Washington DC, - cho biết điều đó không có nghĩa là một vài kế hoạch sẽ được triển khai trong tương lai gần.

Ông nói: “Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề có thể giải quyết ngay được, ít nhất không phải là thế hệ của chúng ta. Nhưng nó có thể được kiểm soát”.

Dưới đây là một vài kỹ thuật geoengineering đang được quan tâm:

Chiếc ô sulfur

7 phương pháp làm mát Trái Đất độc đáo
Chúng ta có thể lợi dụng những vụ phun trào núi lửa để phun sulfur vào tầng bình lưu, tạo ra các đám mây phản xạ ánh sáng mặt trời.

Một trong những phương pháp geoengineering tiềm năng là “chọc” vào các núi lửa nhân tạo để tạo ra những vụ phun trào. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phun một ít sulfur (lưu huỳnh, thành phần có trong tro núi lửa) vào bầu khí quyển. Các phân tử sẽ phản xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời trở lại không gian giống như một bóng mát lớn.

Xanh hóa sa mạc


Phủ xanh sa mạc vừa chống hoang mạc hóa vừa giúp hấp thụ cácbon trong không khí. (Ảnh: Naftall Hilger.)

Các chuyên gia cho rằng “xanh hóa sa mạc” có thể là cách thức rất hiệu quả để “bẫy” các loại khí thải nhà kính như cácbon đi-ô-xít (CO2). Ý tưởng geoengineering này đang bén rễ tại châu Phi.

13 quốc gia châu Phi đang tham gia xây dựng “bức tường xanh vĩ đại” nhằm mục đích ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara đồng thời giúp hấp thụ một lượng lớn CO2 trong không khí.

Ngoài ra, thành viên của kế hoạch tham vọng mang tên Dự án rừng cho Sahara cũng đã trồng cây dọc theo các khu liên hợp năng lượng tái tạo của họ. Họ có tham vọng phủ xanh các sa mạc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Michael MacCracken, người đứng đầu các nhà khoa học trong những chương trình về khí hậu của Viện Khí hậu (tổ chức tư vấn về khí hậu cho chính quyền Mỹ), nếu sự phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng vọt thì một sa mạc xanh có khả năng sẽ không hấp thụ được nhiều CO2.

Ông cho rằng vào thời điểm hiện tại thì việc xây dựng các sa mạc xanh có thể là một chiến lược tốt để hạn chế phát thải khí nhà kính.

Than sinh học trong đất


Một nông dân ở Tây Virginia, Mỹ cầm than sinh học trong tay. (Ảnh: Jeff Hutchens)

Than sinh học là loại than có độ xốp cao, được chế tạo bằng cách nung chất thải nông nghiệp. Theo tổ chức Sáng kiến về than sinh học quốc tế thì khi trở lại đất, than sinh học có thể nhốt cácbon trong đất hàng trăm đến hàng nghìn năm.

Therstrom cho rằng loại than này “xứng đáng được nghiên cứu”. MacCracken cho biết thêm loại than này còn có ích lợi là bổ sung, nâng cao chất lượng đất.

Trang trại rong biển


Một phụ nữ ở Bali, Indonesia thu hoạch rong biển. (Ảnh: Jason Edwards)

Rong biển có họ hàng với tảo nước ngọt nhưng nó lại ở một vị trí cao quý hơn khi những nhà khoa học ủng hộ việc xây dựng trang trại rong biển như các bể hấp thụ cácbon.

Theo Dự án phát triển làm sạch bằng rong biển của ĐH Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, một nửa quá trình quang hợp (quá trình sử dụng ánh sáng mặt trời để chuyển hóa cácbon đi-ô-xít thành năng lượng) của thế giới diễn ra tại các đại dương. Quá trình này chủ yếu xảy ra ở thực vật biển nhỏ được gọi là thực vật phù du (hay thực vật nổi).

Rong biển có thể dễ dàng được nuôi trồng dọc theo bờ biển. Đó là một giải pháp khả thi mà các nhà khoa học cần tính đến để nâng cao quá trình hấp thụ cácbon của biển.

Người trồng rong biển có thể thu hoạch và biến nó thành nhiên liệu tái sinh.

Tàu thủy tạo mây


Các ống hình trụ phun nước lên không trung bằng cách lợi dụng năng lượng gió và hiệu ứng Magnus để tạo đám mây đại dương.

Ý tưởng thú vị và có phần khả thi về những chiếc tàu thủy tạo mây đã đem đến sự mới lạ cho geoengineering trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Chiếc tàu đặc biệt có các thiết bị dùng năng lượng gió mà khi vận hành sẽ lấy nước biển và phun vào không gian, giúp tạo ra những đám mây đại dương. Những đám mây này dày đặc và trắng hơn các đám mây thông thường nên chúng phản xạ nhiệt của mặt trời nhiều hơn.

Theo Therstrom, nếu triển khai thành công, khoảng 1.500 con tàu có thể tạo ra tác dụng làm mát tức thì. Ông cho biết: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài từ hiểu biết cho đến triển khai. Nhưng đó là một ý tưởng đáng tin cậy và xứng đáng được nghiên cứu và thảo luận nghiêm túc”.

Sơn trắng các mái nhà


Các nóc nhà ở Hamilton, Bermuda đều được sơn trắng. (Ảnh: George Oze.)

Chống biển đổi khí hậu có vẻ không liên quan đến màu sắc. Nhưng làm cho các mái nhà phản xạ ánh sáng mặt trời bằng việc sơn trắng có thể là một trong những phương pháp geoengineering đơn giản nhất.

Theo các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, California, Mỹ: các mái nhà màu tối chỉ phản xạ lại khoảng 10-20% ánh sáng mặt trời, ngược lại cái gọi là “mái nhà mát” sẽ trả lại không gian từ 70-80%.

Theo MacCracken, các nóc nhà màu trắng có thêm một lợi ích nữa. Vì chúng phản xạ ánh sáng mặt trời nên trong nhà sẽ bớt nóng, giảm việc phải sử dụng điều hòa không khí.

Gieo sắt vào đại dương


Các hạt sắt giúp kích thích sự phát triển của thực vật nổi ở biển. Chúng chuyển hóa CO2 trong quá trình quang hợp của mình. (Ảnh: NASA)

Đem sắt đến cho đại dương nhằm khuyến khích sự phát triển của các loài thực vật phù dù có khả năng hấp thụ CO2.

Các nhà khoa học đã thực hiện hơn chục thử nghiệm gieo hạt sắt trên khắp thế giới và thu được thành công nhất định.

Thúc đẩy sáng tạo và nghiên cứu phương pháp geoengineering là rất quan trọng vì nhiều kế hoạch sẽ có giá trị bền vững lâu dài. Nhưng cả MacCracken và Therstrom đều đồng ý rằng geoengineering có thể chỉ là lựa chọn chấp nhận được khi bắt buộc phải dùng đến.

Theo Báo Đất Việt (National Geographic)
  • 52
  • 3.726