7 sự kiện có thể gây ra đại tuyệt chủng trên Trái đất

  •  
  • 21.169

Nếu bạn từng xem những bộ phim như "2012" hay "Armageddon", hoặc đọc cuốn sách "On the Beach", bạn hẳn đã hình dung ra một vài mối đe dọa có thể khiến sự sống trên hành tinh của chúng ta bị tiêu diệt hoàn toàn.

Mặt trời có thể gây ra một vài biến cố. Sao chổi có thể ghé thăm. Loài người có thể xóa sổ lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân… Đó chỉ là một số trong nhiều sự kiện cấp độ tuyệt chủng có khả năng xảy ra. Và vẫn còn khá nhiều cách để "tạm biệt sự sống" nữa!

Nhưng trước tiên, chính xác thì một "sự kiện cấp độ tuyệt chủng" là gì?

Một sự kiện cấp độ tuyệt chủng (viết tắt là ELE) là một thảm họa dẫn đến sự tuyệt chủng của đại đa số các giống loài trên hành tinh. Đây không phải là sự tuyệt chủng giống loài thông thường vốn diễn ra mỗi ngày, cũng không nhất thiết là sự "thanh lọc" toàn bộ các sinh vật sống. Chúng ta có thể xác định các sự kiện đại tuyệt chủng bằng cách nghiên cứu trầm tích và thành phần hóa học của các loại đá, các mẩu hóa thạch, và bằng chứng về các sự kiện lớn trên mặt trăng và các hành tinh khác.

Có khá nhiều hiện tượng có khả năng gây ra tuyệt chủng trên diện rộng, nhưng chúng có thể được nhóm vào một vài danh mục sau:

1. Mặt trời tiêu diệt chúng ta

Mặt trời tiêu diệt chúng ta

Sự sống hiện nay sẽ không thể tồn tại nếu thiếu Mặt trời, nhưng Mặt trời cũng là thứ gây ra sự lụi tàn cho Trái đất. Kể cả khi không có bất kỳ thảm họa nào khác trong danh sách này xảy ra, Mặt trời cũng sẽ tiêu diệt chúng ta. Những ngôi sao như Mặt trời theo thời gian sẽ ngày một cháy sáng hơn khi chúng đốt hydron thành helium. Trong 1 tỷ năm nữa, nó sẽ sáng hơn khoảng 10%. Dù nghe thì không đáng kể, nhưng điều này sẽ khiến nhiều nước bị bốc hơi hơn. Nước là một khí nhà kính, do đó nó giữ nhiệt lại bên trong bầu khí quyển, khiến sự bay hơi trở nên nghiêm trọng hơn. Ánh sáng mặt trời sẽ tách nước thành hydrogen và oxygen, khiến chúng bay vào vũ trụ. Nếu sự sống vẫn duy trì được, thì định mệnh cũng sẽ đến khi Mặt trời bước vào giai đoạn sao đỏ khổng lồ, phình to ra đến quỹ đạo của sao Hỏa. Chẳng có sự sống nào có thể tồn tại bên trong Mặt trời cả.

Nhưng, Mặt trời có thể tiêu diệt chúng ta ngay lúc này nếu nó muốn, bằng một vụ phun trào nhật hoa (viết tắt là CME). Nghe tên hẳn bạn đã đoán ra, đó là khi ngôi sao rực rỡ của chúng ta bắn ra những hạt tích điện từ nhật hoa của nó. Dù một CME có thể bắn vật chất đi theo bất kỳ hướng nào, nó thường không bắn trực tiếp về phía Trái đất. Đôi lúc, chỉ một phần rất nhỏ của các hạt bay chạm đến Trái đất, tạo ra cực quang hoặc bão mặt trời. Tuy nhiên, vẫn có khả năng CME sẽ "nướng" chín cả hành tinh.

Mặt trời cũng có "băng đảng" của riêng nó (và chúng cũng ghét Trái đất nữa). Một vụ nổ siêu tân tinh, tân tinh, hay tia gamma gần đây (trong phạm vi 6.000 năm ánh sáng) có thể chiếu xạ lên các sinh vật và tiêu diệt tầng ozone, khiến sự sống đứng trước "họng súng" của bức xạ cực tím từ Mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng một vụ nổ gamma hoặc siêu tân tinh có lẽ là nguyên nhân dẫn đến cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Ordovic.

2. Đảo cực địa từ

Đảo cực địa từ

Trái đất là một khối nam châm khổng lồ, và mối quan hệ của nó với sự sống cũng không mấy êm đềm. Từ trường Trái đất bảo vệ chúng ta khỏi những thứ tồi tệ nhất mà Mặt trời ném về phía hành tinh xanh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vị trí của cực từ bắc và nam lại đảo chiều. Mức độ thường xuyên của việc này, và quãng thời gian trước khi từ trường ổn định trở lại, là một biến số rất khó xác định. Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc điều gì sẽ xảy ra khi các cực từ đảo chiều. Có thể chẳng có gì cả. Hoặc có thể từ trường bị yếu đi sẽ khiến Trái đất hứng chịu gió mặt trời, tạo điều kiện cho Mặt trời cướp đi một lượng lớn khí oxy của chúng ta – chính là loại khí mà con người cần để thở đấy! Các nhà khoa học tin rằng đảo cực từ trường không phải lúc nào cũng là một sự kiện cấp độ tuyệt chủng. Chỉ…đôi lúc mà thôi.

3. Thiên thạch khổng lồ

Thiên thạch khổng lồ

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng cú va chạm của một thiên thạch (tiểu hành tinh hay sao băng) chỉ có mối liên hệ với một cuộc đại tuyệt chủng duy nhất: sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Cổ Cận. Những vụ va chạm khác có thể góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng, nhưng không phải là nguyên nhân chính.

Tin tốt là NASA khẳng định khoảng 95% số sao chổi và thiên thạch có đường kính lớn hơn 1km đều đã được xác định. Một tin tốt khác là các nhà khoa học ước tính một vật thể cần phải có đường kính khoảng 100km mới đủ sức công phá để xóa sạch mọi sự sống trên Trái đất. Tin xấu là chúng nằm trong số 5% số sao chổi và thiên thạch chưa được xác định kia, và chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều để ngăn cản số phận với công nghệ như hiện nay cả! (đừng mơ đến chuyện dùng bom hạt nhân để cho nổ thiên thạch nhé)

Hiển nhiên, những sinh vật sống ngay tại khu vực va chạm của thiên thạch sẽ ngay lập tức bị xóa sổ. Nhiều sinh vật khác sẽ biến mất vì sóng chấn động, động đất, sóng thần, và bão lửa. Những sinh vật sống sót sau cú va chạm ban đầu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn, bởi khói bụi và đất đá bị bắn tung vào bầu khí quyển sẽ gây ra biến đổi khí hậu, dẫn đến những cuộc tuyệt chủng quy mô lớn. Hãy hi vọng bạn không xui xẻo có mặt tại khu vực va chạm này!

4. Biển xanh nổi giận

Biển xanh nổi giận

Một ngày dạo chơi trên bãi biển có vẻ khá thú vị, cho đến khi bạn nhận ra phần màu xanh dương của khối đá khổng lồ chúng ta gọi là Trái đất còn chết chóc hơn toàn bộ số cá mập đang sống bên trong nó. Đại dương sở hữu khá nhiều vũ khí có thể gây ra những sự kiện cấp độ tuyệt chủng.

Methane clathrate (các phân tử cấu thành từ nước và methane) đôi lúc bộc phát từ vỏ lục địa, tạo ra một vụ phun trào methane, gọi là một "súng clathrate". Họng súng này bắn một lượng khổng lồ khí methane nhà kính vào khí quyển. Những sự kiện như vậy từng có mối liên hệ đến cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Permi và thời kỳ nóng lên cực độ (Paleocene-Eocene Thermal Maximum).

Mực nước biển tăng hoặc giảm trong thời gian dài cũng dẫn đến tuyệt chủng. Mực nước biển giảm đáng sợ hơn, bởi nó làm lộ ra nhiều phần vỏ lục địa, giết chết vô số loài sinh vật biển. Sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái mặt đất, dẫn đến một sự kiện cấp độ tuyệt chủng.

Mất cân bằng hóa học trong biển cũng gây ra các sự kiện tuyệt chủng. Khi các lớp ở giữa hoặc phía trên của đại dương trở nên thiếu khí (anoxic), một phản ứng liên hoàn chết chóc sẽ diễn ra. Các cuộc tuyệt chủng Ordovician-Silurian, cuối Devoni, Permian-Triassic, và Triassic-Jurassic đều bao gồm các sự kiện anoxic.

Đôi lúc, nồng độ các yếu tố vi lượng cần thiết (như selenium) giảm đi, dẫn đến tuyệt chủng quy mô lớn. Đôi lúc, vi khuẩn khử sulfate trong các khe nhiệt vượt ngoài tầm kiểm soát, thải ra một lượng hydrogen sulfide vượt mức cho phép, làm yếu đi tầng ozone, khiến mọi sinh vật sống bị ảnh hưởng bởi tia UV chết người. Đại dương cũng trải qua một quá trình đảo ngược định kỳ, trong đó nước bề mặt với nồng độ muối cao chìm xuống phía dưới. Nước sâu thiếu khí nổi lên trên, giết chết các sinh vật trên bề mặt. Các cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Devoni và Permian-Triassic đều liên quan đến sự kiện này.

Đọc đến đây chắc bạn thấy biển không còn đẹp như xưa nữa đâu nhỉ?

5. Và kẻ thắng cuộc là… núi lửa

Và kẻ thắng cuộc là… núi lửa

Dù các sự kiện giảm mực nước biển có mối liên hệ với 12 sự kiện tuyệt chủng, nhưng chỉ 7 trong số đó khiến số lượng sinh vật sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các núi lửa từng dẫn đến 11 sự kiện cấp độ tuyệt chủng, và tất cả trong số đó đều cực kỳ nghiêm trọng. Các cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Permi, cuối kỷ Trias, và cuối kỷ Cretaceous đều có mối liên hệ với các vụ phun trào núi lửa gọi là "ngập lụt bazan". Núi lửa giết chóc bằng cách thải ra khói bụi, sulfur oxide, và carbon dioxide, làm sụp đổ chuỗi thức ăn khi ngăn cản quá trình quang hợp, làm nhiễm độc đất đai và biển cả với các trận mưa acid, và gây hiệu ứng ấm lên toàn cầu.

6. Ấm lên và lạnh đi toàn cầu

Ấm lên và lạnh đi toàn cầu

Nguyên nhân sau cùng của tuyệt chủng quy mô lớn là sự ấm lên hoặc lạnh đi toàn cầu, thường gây ra bởi một trong những sự kiện khác nêu trên. Lạnh đi toàn cầu và băng hà được tin là đã góp phần dẫn đến những cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Ordovic, Permi-Trias, và cuối Devon. Trong khi nhiệt độ sụt giảm giết chết một số chủng loài, mực nước biển hạ thấp vì nước bị đóng băng còn có một hiệu ứng kinh hoàng hơn nữa.

Ấm lên toàn cầu còn hơn cả một kẻ sát nhân dày dạn kinh nghiệm. Nhưng, lượng nhiệt quá lớn của một cơn bão mặt trời hay một ngôi sao đỏ khổng lồ không nhất thiết phải là nguyên nhân. Nhiệt độ Trái đất tăng một cách đều đặn có liên quan đến những cuộc tuyệt chủng Paleocene-Eocene Thermal Maximum, tuyệt chủng Triass-Jura, và tuyệt chủng Permi-Triass. Vấn đề dường như xuất phát từ việc nhiệt độ tăng quá cao đã tạo ra nước, dẫn đến hiện tượng nhà kính và gây ra các sự kiện thiếu khí trong đại dương. Trên Trái đất, những sự kiện này qua thời gian luôn được cân bằng trở lại, tuy nhiên một số nhà khoa học tin rằng có khả năng Trái đất sẽ như Sao Kim – trong tình huống đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ khiến toàn bộ hành tinh tuyệt diệt.

7. Kẻ thù tồi tệ nhất của loài người là chính chúng ta

Kẻ thù tồi tệ nhất của loài người là chính chúng ta

Có vô vàn cách để nhân loại diệt vong – chúng ta có thể đợi thật lâu cho đến khi thiên thạch đâm xuống hay núi lửa phun trào. Chúng ta cũng hoàn toàn đủ khả năng gây ra một sự kiện cấp độ tuyệt chủng thông qua một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu thông qua những hoạt động thường ngày, hoặc bằng cách giết chóc các chủng loài khác để dẫn đến sụp đổ hệ sinh thái.

Điều kinh khủng về các sự kiện tuyệt chủng là chúng thường có xu hướng từ từ, dẫn đến một hiệu ứng domino trong đó một sự kiện sẽ đẩy một hoặc nhiều chủng loài vào thế khó khăn, sau đó dẫn đến một sự kiện tiếp theo tiêu diệt nhiều chủng loài khác. Do đó, bất kỳ cuộc tuyệt chủng nào cũng thường bao gồm nhiều nguyên nhân đề cập đến trong danh sách này.

Cập nhật: 26/06/2020 Theo vnreview
  • 21.169