Gần đây, nhiều người tự đi tiêm văcxin ngừa cúm và có người ngỡ rằng là để ngừa cúm... gia cầm. Đối tượng nào nên tiêm ngừa, tiêm ngừa ở đâu? BS Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết:
|
Tiêm văcxin Vaxigrip tại Viện Pasteur TP.HCM |
- Chúng ta cần phân biệt giữa bệnh cúm và cảm cúm thông thường. Và cũng cần nói rõ cho người dân biết văcxin tiêm phòng cúm hiện nay (Vaxigrip) là văcxin có thành phần gồm ba chủng cúm người: hai chủng type A (H1N1, H3N3) và một chủng cúm type B, không phải là để tiêm phòng cúm gia cầm (cúm A/H5N1) cho người mà thế giới đang quan tâm.
Bệnh cúm nói chung ở người hiện có hai type nguy cơ là: cúm type A và cúm type B. Cúm type A có hai loại virus H1N1 và H3N2 - type này có nguồn gốc gia cầm. Cúm type A thường biến chứng cho người già và trẻ em (do sức đề kháng yếu). Vì vậy hằng năm các nước phương Tây thường chích ngừa cúm cho người già và trẻ em.
Còn cúm type B chỉ có ở người. Cúm type B thường nhẹ hơn, xảy ra ở các nước châu Á - trong đó có VN. Tại VN, nhất là các tỉnh phía Nam - trong đó có TP.HCM, bệnh cúm ít khi thành dịch và bệnh diễn tiến nhẹ, nên vấn đề tiêm phòng không phải là yêu cầu thật bức thiết. Hơn nữa giá cũng đắt - khoảng 170.000 đồng/người lớn. Nếu người dân có nhu cầu thì tiêm phòng ở một số đối tượng nhất định như người lớn tuổi, trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đối với những người đang làm việc thường xuyên tiếp xúc, liên quan với gia cầm như chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, nhân viên thú y... thì nên tiêm phòng văcxin này để hạn chế, không tạo ra sự đồng nhiễm nhiều loại virus cúm A và để góp phần đẩy lùi sự biến chủng.
Về địa chỉ tiêm phòng cúm, tại TP.HCM có Viện Pasteur TP, Trung tâm Y tế dự phòng TP và tại các điểm tiêm phòng của các đội y tế dự phòng quận huyện.
KIM SƠN thực hiện