AMD chơi bài ngửa

  •  
  • 78

Chiến lược mới của AMD sẽ chấm hết đế chế độc quyền của đối thủ Intel như thế nào, trong cả địa hạt chip máy tính lẫn máy chủ? 

Chỉ vài tuần sau khi ngồi vào chiếc ghế mới: phó chủ tịch toàn cầu phụ trách các kênh bán hàng của AMD, Stephen DiFranco đã tự hỏi: tại sao phải chịu mãi cảnh kèo dưới, lép vế?

Ngồi trong phòng họp tại đại bản doanh giữa một ngày thu tháng 10/2004, Di Franco mỗi lúc thêm tan nát cõi lòng khi nghe các nhân viên liệt kê một danh sách dài ngoằng những lý do vì sao đối thủ Intel hớt hết mọi cơ hội kinh doanh của họ.

Nguồn: pc365.com.cn

Intel cung cấp một thương hiệu được tin cậy, bỏ nhiều tiền marketing hơn và hỗ trợ khách hàng tốt hơn. "Tôi luôn miệng tự nhủ "Lạy chúa! thế này thì cạnh tranh thế nào được?", Di Franco nhớ lại.

Cuộc chiến trong cửa hàng

8 tháng sau, trong một cuộc họp chiến lược tháng 6/2005, Di Franco đã trình bày câu trả lời trước giám đốc điều hành Hector de Jesus Ruiz và các quan chức khác của hãng. Trong bài thuyết trình có tiêu đề "Cuộc chiến trong cửa hàng", DiFranco đã thảo ra một chiến dịch đầy tham vọng để AMD có thể qua mặt Intel tại các cửa hiệu bán lẻ.

Phương án mà DiFranco lựa chọn là cạnh tranh trực tiếp bằng sản phẩm và cấu hình PC tốt hơn, thay vì chạy đua (trong hụt hơi) với Intel bằng các chiến dịch marketing tốn kém.

Dĩ nhiên, nhiệm vụ này chẳng dễ dàng chút nào. Các cử tọa đầy hoài nghi lưu ý DiFranco rằng AMD không trực tiếp sản xuất máy tính, mà buộc phải dựa dẫm vào những đối tác như HP, Gateway hay Toshiba cùng hàng trăm hãng bán lẻ khác trên toàn thế giới để đạt được mục tiêu đề ra.

"Thú thật là ban đầu, nhiều người không thích ý tưởng này cho lắm", Ruiz nhớ lại. Nhưng chỉ một năm sau, kết quả đã rõ ràng. Các quan chức Intel ra sức rêu rao rằng AMD nổi lên nhanh chóng chỉ nhờ thành công trong thị trường chip máy chủ cao cấp, nhưng số liệu dường như đang chống lại họ. Chiến lược bán lẻ của DiFranco đã giúp doanh thu vi xử lý PC của AMD tăng vọt tới 15,3% trong quý I/2006.

Một cách âm thầm, các cửa hàng bán lẻ đang giúp sức đắc lực cho AMD trong việc giành giật thị phần. Việc sử dụng con chip AMD mạnh mẽ hơn đã giúp các đối thủ như HP, Gateway và Toshiba giành được ưu thế trước Dell. Tại các cửa hàng bán lẻ bên ngoài nước Mỹ, thực tế còn rành rành hơn.

Sức ép này chính là một lý do quan trọng buộc Dell phải đưa ra tuyên bố hôm 18/5 vừa qua, rằng họ sẽ bắt đầu sử dụng chip AMD cho dòng máy chủ của mình vào cuối năm nay. Và một thông tin nữa có thể khiến Intel giật mình thon thót: Dell vẫn đang tiếp tục đàm phán với AMD về việc sử dụng chip hãng này trong desktop và notebook dân dụng.

Vượt trội về hiệu suất 

Nguồn: Aurorawdc

Tham vọng của AMD trong việc trở thành đối cực với Intel trên thị trường vi xử lý không còn là mơ ước xa vời. Giờ đây, hãng đã nắm giữ 26% thị phần chip máy chủ tại Mỹ và 48% thị trường chip đa lõi (có ít nhất hai con chip trên một tấm silicon). 3 năm trước, thị trường máy chủ cao cấp là sân chơi độc quyền của Intel.

Tuy nhiên, thành công của AMD có phần đóng góp không nhỏ (ngoài ý muốn) của chính ... Intel. Có thể nói, Intel đã có những bước đi sai lầm trong suốt thời gian qua. Trên mặt trận chip cao cấp dành cho hệ thống tập đoàn, Intel hầu như dậm chân tại chỗ, phớt lờ nhu cầu của khách hàng về những con chip vừa mạnh mẽ, vừa tiết kiệm năng lượng.

Thay vào đó, các kỹ sư của Intel chỉ chú tâm phát triển chip máy chủ Itanium cao cấp. Itanium đòi hỏi khách hàng phải viết lại phần mềm nếu muốn phát huy hết sức mạnh của nó, trong khi Opteron của AMD thì không. Thêm nữa, công nghệ của AMD có thể giúp các doanh nghiệp lớn tiết kiệm khối tiền điện. Chưa kể Opteron còn chiếm ít không gian trong các trung tâm dữ liệu hơn, vì chúng không cần quạt làm mát quá lớn.

Săn đón đối tác

Trước sự thật quá hiển nhiên này, nhiều khách hàng lớn đã quyết định từ bỏ Intel. Hãng phim hoạt hình DreamWorks và thị trường Cổ phiếu Philadelphia là hai cái tên mới nhất thay máy chủ dùng chip Xeon Intel bằng Opteron của AMD.

Với chiến dịch "Cuộc chiến trong cửa hàng", Di Franco đặt cược rằng người dùng sẽ chọn sản phẩm dùng chip AMD kể cả khi chúng đắt hơn. Để đổi lại, họ sẽ đạt hiệu suất vượt trội so với sản phẩm Intel.

Một bước đi nữa cho thấy tầm nhìn bao quát của Di Franco. Ông đã rong ruổi khắp nước Mỹ, siết chặt quan hệ với ATI Technologies và NVIDIA, hai hãng sản xuất chip đồ họa phục vụ game tốc độ cao hàng đầu hiện nay.

AMD bắt tay với phòng thí nghiệm của NVDIA tại Moscow và Bắc Kinh, giúp xây dựng hệ thống AMD cho các trò game cho ATI tài trợ. Bị đe dọa trước khả năng Intel tích hợp chip đồ họa của riêng hãng với các sản phẩm vi xử lý, ATI và NVIDIA đã giang rộng tay chào đón AMD. Đơn giản, vì AMD không sản xuất chip đồ họa.

Số tiền hàng triệu USD mà Intel rót cho các chiến dịch quảng bá nhãn hiệu đã được AMD sử dụng theo một hướng khác. Họ triển khai các chiến dịch khuyến mại, các cơ chế giảm giá, đào tạo nhân viên v..v...

Thiên Ý

Theo BusinessWeek, VietNamNet
  • 78