Ngày 24/11, tại TP.HCM, Bộ Khoa học - Công nghệ và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố dự án, “thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 146 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (trái) trao Quyết định dự
án cho Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: Thái Ngọc)
Trong đó gần 125 tỷ đồng là từ ngân sách KH - CN do Bộ Khoa học Công nghệ cấp, 21 tỷ đồng còn lại do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đầu tư. Đây cũng là dự án sản xuất đầu tiên cho một đơn vị nghiên cứu mà Bộ đã chấp nhận đầu tư với số tiền lớn nhất từ xưa đến nay. Tham gia dự án này còn có các trường đại học, viện nghiên cứu.
Dự án đặt mục tiêu sản xuất vài chục nghìn chip RFID tần số thấp HF và tần số cao UHF ứng dụng trong nhận diện, quản lý hàng hóa… Cùng với đó nhóm dự án cũng sẽ cho ra đời các đầu đọc thẻ RFID và các hệ thống ứng dụng loại thẻ này. Dự kiến các sản phẩm này sẽ ra đời vào quý III, năm 2014. Dự án sẽ được thực hiện trong trong bốn năm (2011 – 2015).
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết: đây là dự án cần thiết và khởi đầu cho Việt Nam tiến đến làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn từ thiết kế, đến chế tạo sản xuất nhằm phục vụ cho các nhu cầu thương mại cũng như trong nhiều lĩnh vực khác.
RFID là kỹ thuật nhận dạng sóng vô tuyến từ xa. Thẻ RFID có thể đính lên các loại sản phẩm khác nhau và người ta có thể sử dụng máy tính để quản lý từ xa các sản phẩm. Việc thanh toán khi mua sắm ở các siêu thị hiện nay bằng cách đưa máy cầm tay quét qua sản phẩm để tính tiền là một ví dụ cụ thể của ứng dụng này.