Hiếm khi các chuyên gia khảo cổ khai quật nhiều ngôi mộ như vậy ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
Vào ngày 9/12, cuộc họp báo do Cục Di sản Văn hóa tỉnh Thiểm Tây tổ chức thông tin rằng, từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021, Viện Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây đã khai quật 3.648 ngôi mộ cổ ở khu Hồng Độc Nguyên, Vị Thành, Hàm Dương (tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc).
Hơn 16.000 nhóm di tích văn hóa được khai quật, có niên đại từ thời Chiến Quốc đến triều nhà Thanh. Trong đó, có chủ nhân của ngôi mộ là Dương Toàn Tiết, anh họ của Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, tư liệu thu được từ cuộc khai quật này rất phong phú. Qua nghiên cứu toàn diện về các cuộc khai quật ở Hồng Độc Nguyên, lượng thông tin khổng lồ chứa đựng trong đó đủ để viết nên một nửa lịch sử của các triều đại Bắc triều, Tùy và Đường. Hiện nay, công cuộc khai quật vẫn đang được tiến hành thực hiện.
Những ngôi mộ trải qua lịch sử hơn 2.200 năm
Theo Lý Minh, nhà khảo cổ học tại Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, đồng thời là người phụ trách dự án khai quật khảo cổ học từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021, các chuyên gia đã khai quật những ngôi mộ có niên đại từ thời Chiến Quốc, nhà Hán và nhà Tây Tấn ở quận Vị Thành, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây.
Có 3.648 ngôi mộ cổ được tìm thấy thuộc Thập lục quốc, Bắc triều, nhà Tùy, Đường, Tống, Minh và nhà Thanh. Trong số này, có những ngôi mộ này được cho là đã tồn tại hơn 2.200 năm.
Trong 17 tháng tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ đã khám phá ra các ngôi mộ vào cuối thời Chiến Quốc và 1 nghĩa trang chôn cất các thành viên hoàng tộc, 1 nghĩa trang đầu thời Tây Hán, 12 nghĩa trang thời nhà Hán, 3 nghĩa trang gia đình triều Tây Tấn, 3 nghĩa trang công cộng từ thời Thập lục quốc đến nhà Tùy, 77 nghĩa trang trong các triều đại nhà Tùy và nhà Đường.
Ngoài ra, còn có một số lượng lớn các ngôi mộ của dân thường trong các triều đại nhà Tống, Minh và Thanh, được tìm thấy.
Đồ gốm men ngọc hình sư tử được khai quật từ ngôi mộ M49 thời Tây Tấn tại Hồng Độc Nguyên.
"Quy mô khai quật khảo cổ với số lượng lớn, thời gian dài, chủng loại đa dạng như vậy chưa từng thấy trong lịch sử khảo cổ Trung Quốc, e rằng sau này cũng khó gặp", nhà khảo cổ Lý Minh nhận định.
Trong khu vực này, các chuyên gia khảo cổ cũng tìm thấy mộ của anh họ Võ Tắc Thiên cùng những người thân khác trong gia đình.
Cổ vật được tìm thấy trong mộ anh họ của Võ Tắc Thiên.
Theo Lý Minh, địa điểm khai quật nằm ở nghĩa trang Hồng Độc Nguyên, thuộc phía bắc thành Trường An trong các triều đại nhà Hán và nhà Đường. Thông tin này có thể được tìm thấy trong nhiều ghi chép lịch sử khác nhau. Những ngôi mộ vừa và lớn đã được khai quật chiếm tỷ lệ lớn, có nhiều ngôi mộ có niên đại, các di vật văn hóa được khai quật rất phong phú.
Trong số các nghĩa trang của nhà Tùy và nhà Đường ở Hồng Đô, Hàm Dương, nơi chôn cất này được cho là đặc biệt nhất.
Tính đến nay, 77 nghĩa trang của nhà Tùy và nhà Đường đã được phát hiện. Trong đó, có 23 ngôi mộ có niên đại rõ ràng, bao gồm cả những ngôi mộ cao cấp như nghĩa trang của gia đình Dương Toàn Tiết, anh họ của Võ Tắc Thiên.
Những nghĩa trang này có mương nước bao quanh, được quy hoạch gọn gàng và không ảnh hưởng đến nhau. Trong và ngoài nghĩa trang có rất nhiều mộ của các thành viên trong một gia đình, với các kiểu chôn cất khác nhau. Đây là những phát hiện mới từ đợt khai quật này.
Lý Minh cho biết, các ngôi mộ được tìm thấy ở Hồng Độc Nguyên là bằng chứng tuyệt vời để nghiên cứu hệ thống mộ thời phong kiến. Đồng thời có ý nghĩa tích cực to lớn đối với việc xây dựng bộ khung của hệ thống khảo cổ học các mộ cổ của Trung Quốc, góp phần luận giải các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học... từ các di tích văn hoá.