Bà Koelemeijer, một nhà nghiên cứu địa chấn sống tại thủ đô London - Anh, có một máy đo địa chấn thu nhỏ đặt gần lò sưởi. Dù còn nhỏ hơn cả một hộp khăn giấy nhưng thiết bị này có thể cảm nhận mọi loại chuyển động, từ tiếng tàu chạy gần nhà bà Koelemeijer đến những cơn sóng địa chấn từ xa.
Sự thay đổi của Trái đất khi dịch Covid-19 xảy ra
Kể từ khi Vương quốc Anh thông báo quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn vào tháng 3, yêu cầu người dân không được rời khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng, chiếc máy đo đã ghi nhận được sự sụt giảm mạnh của những chuyển động do con người tạo ra.
Cách đối phó với đại dịch đã vô tình tạo ra một số hiệu ứng quy mô lớn nhưng không dễ thấy khác. Sự chậm lại của cuộc sống đã mang đến cho các nhà khoa học cơ hội nghiên cứu thế giới hiện đại trong một số điều kiện thực sự kỳ lạ, và họ đang cố gắng thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể.
1. Trên đất liền
Các nhà nghiên cứu địa chấn trên thế giới cũng nhận thấy sự khác biệt mà bà Koelemeijer cảm nhận được ở London. Mọi chuyện bắt đầu với nhà địa chất học Thomas Lecocq làm việc tại Trung tâm Quan sát Hoàng gia Bỉ đặt tại thủ đô Brussels. Ông Lecocq phát hiện ra rằng khi tuyết rơi, các hoạt động địa chấn của con người bị giảm xuống. Trong khi đó, vào ngày tổ chức một cuộc đua đường trường, nó lại tăng đột biến.
Ông Lecocq đã kiểm tra dữ liệu địa chấn một ngày trước khi Bỉ bắt đầu phong tỏa và buổi sáng sau đó. Sự sụt giảm hoạt động xảy ra "ngay lập tức". Hiện nay, Bỉ giống như đang trải qua những ngày giống như vào dịp Giáng sinh.
Ông Lecocq chia sẻ thông tin của mình lên mạng, kéo theo những nhà địa chấn học khác ở Mỹ, Pháp và New Zealand cùng xem xét ảnh hưởng của biện pháp giãn cách xã hội đối với hoạt động địa chấn. Đối với những nhà nghiên cứu tín hiệu địa chấn từ bên trong Trái Đất, biện pháp cách ly dường như giúp họ lắng nghe những chuyển động một cách dễ dàng hơn. "Thông thường chúng tôi sẽ không phát hiện được một trận động đất mạnh 5,5 độ richter từ phía bên kia bán đầu vì quá ồn ào. Nhưng hiện nay, thiết bị của tôi lại có thể làm được điều này" - trích lời bà Koelemeijer.
Những con đường vắng tanh ở TP Milan - Ý. (Ảnh: Shutterstock).
2. Trong không khí
Khi các thành phố, và trong một số trường hợp, toàn bộ các nước cùng vượt qua đại dịch bằng cách phong toả, các vệ tinh quan sát Trái Đất đã phát hiện được sự sụt giảm đáng kể trong nồng độ của NO2, một chất gây ô nhiễm không khí phổ biến xâm nhập vào khí quyển thông qua khí thải từ các phương tiện giao thông và nhà máy năng lượng. Sự thay đổi này, xuất hiện tại Trung Quốc và châu Âu, trùng khớp với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên mặt đất.
Ô nhiễm không khí có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính các căn bệnh xuất phát từ việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm xung quanh, bao gồm đột quỵ, bệnh tim và các bệnh hô hấp, giết chết khoảng 4,2 triệu người/năm.
Bầu không khí sạch hơn có thể mang đến một luồng gió mới ngắn ngủi đến với cư dân những nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất trên thế giới dù họ đang phải chiến đấu với virus SARS-CoV-2. Theo một phân tích của ông Marshall Burke, giáo sư khoa khoa học hệ thống Trái Đất tại trường ĐH Stanford (Mỹ), sự giảm thiểu của hợp chất có trong bụi nhờ đại dịch, hình thức nguy hiểm nhất của ô nhiễm không khí, có thể cứu sống 4.000 trẻ em và 73.000 người cao tuổi ở Trung Quốc trong 2 tháng năm nay.
Chất lương không khí ở những nơi bị phong tỏa vì dịch bệnh được cải thiện rõ rệt. (Ảnh: ESA).
"Chúng ta có một lợi ích đáng kể tạm thời. Nhưng, có một chữ "nhưng" quan trọng, khi chúng ta hồi phục, tôi nghĩ chúng ta sẽ quay lại hoạt động kinh doanh như bình thường" - trích lời ông Joseph Majkut, giám đốc chính sách khí hậu tại Trung tâm Niskanen, thủ đô Washington - Mỹ. Sự sụt giảm khí thải trong năm nay, bao gồm khí CO2 gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, sẽ không tạo ra thay đổi nào đối với nỗ lực lâu dài trong việc kiểm soát khủng hoảng khí hậu. "Chúng ta không thể giải quyết biến đổi khí hậu bằng một đại dịch toàn cầu được" - ông Majkut nói thêm.
3. Phong cảnh âm thanh
Khi quá nhiều người ở nhà và các cơ quan giao thông công cộng cắt giảm dịch vụ, dĩ nhiên tiếng ồn từ các phương tiện giao thông sẽ giảm đi. Erica Walker, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại trường ĐH Boston (Mỹ), đã mang theo máy đo decibel bên người khi đi ra ngoài và hết sức bất ngờ với kết quả thu được. "Đường phố vắng lặng hơn rất nhiều" - trích lời bà Walker.
Trước đại dịch Covid-19, môi trường âm thanh tại Quảng trường Kenmore, một giao lộ tấp nập gần trường ĐH Boston, thường lên tới 90 decibel vào giờ cao điểm. Vào ngày 1-4, kết quả đo chỉ là 68 decibel vào cùng khung giờ. Để so sánh, tiếng ồn mà một đoàn tàu chạy qua là 95 decibel trong khi các cuộc trò chuyện bình thường là 60 đến 70 decibel. "Đây là sự khác biệt lớn đến không thể tin nổi" - trích lời bà Walker.
Người dân thành phố bây giờ có thể nghe được những âm thanh mà thường ngày họ hiếm khi nghe được. Bà Rebecca Franks, một người Mỹ sống tại TP Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, đã quan sát thành phố trong 48 ngày nơi này bị phong tỏa. "Tôi từng nghĩ rằng Vũ Hán không có chim chóc vì tôi hầu như không nhìn thấy và nghe thấy tiếng chim hót bao giờ. Giờ tôi mới biết rằng tiếng ồn từ giao thông và con người đã nhấn chìm tiếng chim. Nay tôi có thể nghe tiếng chim hót cả ngày. Tiếng chúng đập cánh còn khiến tôi phải ngừng bước" - bà Franks nói trên Facebook.
Nai tràn ra đường ở TP Nara - Nhật Bản. (Ảnh: Okadennis).
Tình trạng vắng lặng có thể kéo dài nhiều tháng dường như là một điều tốt. Nó cho thấy ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta, góp phần gây ra các bệnh liên quan đến căng thẳng, huyết áp cao, gián đoạn giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe khác.
Dù vậy, bà Walker nói bất kỳ lợi ích tiềm năng nào cũng khó có thể dự đoán nếu không có nhiều nghiên cứu. Theo hoạt động gần đây của ứng dụng Noise and the City (Tạm dịch: Tiếng ồn và Thành phố), nơi người dân TP Boston có thể ghi lại âm thanh của khu phố và cung cấp mô tả của họ, mọi người có thể phản ứng với sự yên tĩnh mới mẻ bằng những cách khác nhau. Với một số người, không gian âm thanh mới gợi nhớ đến thời thơ ấu yên bình cách đây hàng thập kỷ, khi thành phố còn chưa hiện đại. Với những người khác, sự tĩnh lặng này chỉ như một nỗi căng thẳng khác có liên quan đến đại dịch, giống như sự yên bình trước cơn bão.
4. Trên đại dương
Với những loài khác, sự giảm bớt ô nhiễm tiếng ồn dĩ nhiên là một tin tức đáng hoan nghênh. Bà Michelle Fournet, một nhà sinh thái biển chuyên nghiên cứu môi trường âm thanh tại trường ĐH Cornell (Mỹ), đang hy vọng có thể đặt micro dưới nước ngoài khơi bang Alaska và Florida. Bà đang nghiên cứu cá voi lưng gù và các loài sinh vật biển khác để điều tra xem đại dương đã thay đổi như thế nào khi không có tiếng ồn từ những con tàu du lịch.
"Chỉ cần kéo những chiếc tàu du lịch đó ra thì lượng tiếng ồn toàn cầu trên đại dương sẽ giảm ngay lập tức. Chúng ta đang trải qua một thời gian tạm dừng ô nhiễm tiếng ồn chưa từng thấy và có thể sẽ không xảy ra trong hàng thập kỷ" - trích lời bà Fournet.
Các nghiên cứu cho thấy tiếng ồn phát ra từ tàu thuyền và các phương tiện đường thủy khác có thể làm tăng mức độ hóc môn căng thẳng của sinh vật biển và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng. Cá voi còn cho thấy chúng có thể thích ứng với tiếng ồn bằng cách ngừng kêu cho đến khi tàu chở hàng đi xa.
Cá heo xuất hiện ở các con kênh của TP Cagliari - Ý. (Ảnh: Paolo Careddu)
Khoảnh khắc sinh thái bất ngờ do đại dịch gây ra khiến bà Fournet nhớ đến một thí nghiệm vô tình diễn ra trong những ngày sau sự kiện 11/9, khi giao thông đường biển tại Bắc Mỹ bị tạm ngừng. Các nhà nghiên cứu làm việc tại Vịnh Fundy của Canada đã ghi âm và lấy mẫu trước khi vụ khủng bố xảy ra rồi phát hiện rằng chỉ trong vòng vài ngày khi tàu thuyền ngừng hoạt động, mức độ hóc môn căng thẳng của cá voi đầu bò trong vịnh đã giảm đi rõ rệt.
Bà Fournet nghĩ đến loài cá voi lưng gù Bắc Thái Bình Dương đang trên đường bơi đến phương Bắc vào tháng này và sẽ sớm trở lại phía Đông Nam Alaska cùng với những con non. Đây là khu vực vốn có nhiều tàu thuyền du lịch để các du khách nhìn ngắm động vật hoang dã địa phương. "Đây sẽ là lần trở về Alaska yên tĩnh nhất của cá voi lưng gù trong hàng thập kỷ. Thiên nhiên đang thư giãn trong lúc chúng ta nín thở vì đại dịch" - trích lời bà Fournet.
5. Hiệu ứng nhà kính
Phân tích của Lauri Myllyvirta, chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, cho thấy cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra tạm thời làm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) ở Trung Quốc giảm 25% và vẫn chưa quay lại mức bình thường hơn hai tháng sau khi đất nước áp dụng phong tỏa. Nhóm chuyên gia của trang Carbon Brief ước tính Covid-19 có thể thúc đẩy sự sụt giảm lớn nhất về lượng khí khải CO2 trong năm 2020. Chuyên trang này dự đoán mức giảm lượng CO2 trong năm 2020 sẽ giảm 5,5% so với năm 2019, lớn hơn cả số liệu ghi nhận trong bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh nào trước đây.