Cả ba loài chuột túi vừa mới phát hiện đều thuộc về chi chuột túi đã tuyệt chủng Protemnodon sống trên lục địa Australia, cách đây khoảng từ 5 triệu năm đến 40.000 năm trước.
Các nhà nghiên cứu ở phía Nam Australia đã phát hiện hóa thạch của 3 loài chuột túi cổ đại khổng lồ mới.
Bộ xương của Protemnodon có kích thước gấp đôi con chuột túi đỏ. (Ảnh: Đại học Flinders)
Trong nghiên cứu được công bố vào ngày 15/4, nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Flinders (Australia) đã mô tả những loài chuột túi mới này dựa trên hóa thạch của chúng được tìm thấy tại nước này và Papua New Guinea, theo đó cả ba loài trên đều thuộc về chi chuột túi đã tuyệt chủng Protemnodon, còn được gọi là chuột túi khổng lồ, sống trên lục địa Australia, bang Tasmania và Papua New Guinea cách đây khoảng từ 5 triệu năm đến 40.000 năm trước.
Tác giả chính của nghiên cứu trên Isaac Kerr từ Trường Khoa học và Kỹ thuật thuộc Đại học Flinders, đã xem các bộ sưu tập của 14 bảo tàng tại 4 quốc gia để nghiên cứu và quét hình ảnh 3D 800 mẫu vật về chi Protemnodon được thu thập từ khắp nơi tại Australia và Papua New Guinea để phân biệt giữa các loài chuột túi khổng lồ.
Ông Kerr phát hiện ra rằng các loài chuột túi này đã thích nghi để sống trong những môi trường khác nhau và thậm chí còn nhảy theo những cách khác nhau.
Trong số những loài chuột túi được nghiên cứu có loài Protemnodon viator có trọng lượng lên đến 170kg, to gấp đôi so với những loài chuột túi khác và đây là loài chuột túi đực màu đỏ lớn nhất vẫn đang sống hoang dã ở Australia.
Ngoài ra, còn có thêm hai loài khác là Protemnodon mamkurra và Protemnodon dawsonae, được phát hiện trong quá trình xem xét lại các nghiên cứu từ thế kỷ 19.
Theo ông Kerr, nghiên cứu kể trên đã phủ nhận giả thuyết trước đó rằng tất cả các loài Protemnodon đều có 4 chân. Nhà nghiên cứu này cho biết thêm hóa thạch tốt nhất của Protemnodon mamkurra được phát hiện tại hang Green Waterhole phía Nam Australia. Tên mamkurra do người dân bản xứ lựa chọn, có nghĩa là chuột túi lớn.