Những phụ nữ dùng điện thoại di động nhiều trong quá trình mang thai có thể khiến đứa trẻ sinh ra bị hiếu động thái quá, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, bức xạ từ điện thoại có thể gây hại cho sự phát triển não thai nhi, dẫn tới việc trẻ có trí nhớ kém, hay lo âu và các vấn đề về hành vi. Giáo sư Hugh Taylor, Đại học Yale (Mỹ) còn cho rằng điện thoại di động là một phần nguyên nhân dẫn đến tăng tỉ lệ rối nhiễu như chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, bức xạ từ điện thoại có thể gây hại cho sự phát triển não thai nhi (Ảnh minh họa: Thinkbaby.co.uk)
Theo The Sun, các nhà khoa học tại Đại học Yale đã đưa ra kết luận trên sau khi làm các thí nghiệm ở chuột, nhưng họ cho rằng, con người cũng chịu ảnh hưởng theo cách tương tự.
Những con chuột đang có thai khi ở tiếp xúc với điện thoại đang hoạt động đã sinh ra những đứa con có các biểu hiện hiếu động thái quá, hay lo âu và trí nhớ không tốt. Những con chuột còn lại, tiếp xúc với các điện thoại đã tắt thì không chịu tác động trên. Sự thay đổi này được cho là do bức xạ điện thoại tác động tới bào thai, khiến não thai nhi kém phát triển.
Theo giáo sư Taylor, đây là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên cho thấy sự hoạt động của bức xạ từ điện thoại di động có ảnh hưởng tới hành vi của con người.
"Chúng tôi đã chỉ ra rằng các vấn đề về hành vi ở chuột tương tự như chứng tăng động giảm chú ý được gây ra do tiếp xúc với điện thoại di động trong tử cung. Sự gia tăng các rối nhiễu hành vi ở trẻ em có thể một phần do thai nhi tiếp xúc với sóng điện thoại", ông khẳng định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác thì cho rằng, nghiên cứu này cần được xem xét thận trọng bởi người và chuột có phản ứng khác nhau. Theo giáo sư Eric Taylor, Trường King College (London, Anh) không thể quy kết nguyên do nguy cơ tăng động giảm chú ý là do điện thoại di động.