Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một cơ chế động lực học mới đằng sau hiện tượng nóng lên sâu ở vùng cực có liên quan đến việc băng biển sụt giảm ở Bắc Cực.
Gấu trắng Bắc Cực. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Bằng chứng khoa học mới cho thấy có mối liên hệ giữa hiện tượng thời tiết cực lạnh ở vĩ độ giữa Bắc bán cầu và diện tích băng biển Bắc Cực giảm.
Đây là kết quả nghiên cứu chung của nhóm nhà khoa học quốc tế được công bố mới đây trên tạp chí "Npj Climate and Atmospheric Science".
Trong nhiều thập niên qua, khu vực đông dân ở vĩ độ giữa Bắc Bán cầu thường hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực lạnh, gây nhiều thương vong, cũng như thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là diện tích băng biển Bắc Cực giảm mạnh, song mối liên quan vẫn chưa rõ ràng.
Nhóm nhà khoa học do Giáo sư Tian Wenshou tại Đại học Lan Châu dẫn đầu, cùng với một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã tiến hành nghiên cứu chung về vấn đề này.
Sử dụng các kết quả phân tích lại và mô phỏng mô hình, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một cơ chế động lực học mới đằng sau hiện tượng nóng lên sâu ở vùng cực có liên quan đến việc băng biển sụt giảm ở Bắc Cực.
Nghiên cứu xác nhận vai trò thiết yếu của sự tương tác giữa tầng bình lưu và tầng đối lưu đối với sự nóng lên sâu ở Bắc Cực do băng biển giảm.
Theo Giáo sư Tian Wenshou, nghiên cứu cho thấy tác động của tầng bình lưu có vai trò quan trọng đối với sự nóng lên của Bắc Cực.
Do đó, nghiên cứu mới khả năng sẽ hỗ trợ cho các mô hình dự báo trong ngắn hạn về hiện tượng thời tiết cực lạnh trong tương lai.