Sau thời gian dài chạy trên bề mặt sao Hỏa gồ ghề, bánh xe của robot Curiosity chịu những vết thủng lớn nhưng vẫn có thể hoạt động tiếp.
Địa hình gồ ghề trong hố trũng Gale trên sao Hỏa để lại những vết thủng khá lớn trên bánh xe nhôm của robot Curiosity (NASA), Space hôm 8/2 đưa tin. Dù bánh xe trông có vẻ hư hại nặng, robot vẫn đủ khả năng tiếp tục chạy trên hành tinh đỏ một thời gian nữa.
Bánh xe của robot sao Hỏa Curiosity hôm 27/1/2022. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS)
Thông số hiện tại được dự đoán là đủ để hỗ trợ Curiosity trong suốt phần còn lại của nhiệm vụ, theo Andrew Good, phát ngôn viên tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, nơi quản lý nhiệm vụ Curiosity. "Các vết thủng và rách trên bánh xe của robot luôn trông kinh khủng hơn thực tế", Good nói thêm.
Curiosity lớn tương đương một chiếc ôtô. Robot này hạ cánh xuống hố trũng Gale tháng 8/2012 với nhiệm vụ xác định xem khu vực này có từng hỗ trợ sự sống của vi sinh vật hay không. Robot sau đó phát hiện, vào thời cổ đại, Gale chứa một hệ thống sông hồ có tiềm năng phù hợp cho sự sống. Hệ thống này có thể tồn tại hàng triệu năm.
Từ tháng 9/2014, Curiosity đã trèo lên sườn núi Sharp cao 5,5 km trong hố trũng Gale. Robot nghiên cứu các lớp đá trong quá trình di chuyển, tìm kiếm những manh mối về sự chuyển đổi của sao Hỏa thời xa xưa, từ một hành tinh tương đối ấm và ẩm thành nơi cằn cỗi lạnh giá như ngày nay.
Đến nay, Curiosity đã đi tổng cộng 27,14 km trên sao Hỏa, nhiều km trong đó là đoạn đường gồ ghề, sỏi đá. Bánh xe bắt đầu có dấu hiệu mòn và rách tương đối sớm trong quá trình làm nhiệm vụ, khiến các nhà khoa học phải thực hiện một số biện pháp khắc phục như chọn những tuyến đường đi qua địa hình bằng phẳng hơn nếu được, sử dụng phần mềm "kiểm soát lực bám" để điều chỉnh tốc độ của robot theo loại địa hình.
Các biện pháp này có vẻ đã mang lại hiệu quả, Good cho biết. Nhóm phụ trách gần đây bắt đầu chụp ảnh kiểm tra bánh xe mỗi 1.000 m di chuyển trên mặt đất thay vì 500 m như thông thường.
Những thông tin về độ mòn bánh xe của Curiosity đã giúp ích cho việc thiết kế robot sao Hỏa tiếp theo của NASA, Perseverance. Robot này hạ cánh xuống hố trũng Jezero tháng 2/2021. Bánh xe của nó có đường kính lớn hơn một chút và có số rãnh gấp đôi so với bánh của Curiosity. Ngoài ra, các rãnh trên bánh xe được thiết kế hơi cong thay vì hình chữ V. Perseverance cũng không để lại dòng chữ "JPL" theo mã Morse trên nền đất sao Hỏa như Curiosity.