Báo động rác nhựa xuất hiện trong cá con

Thế giới từng chấn động khi chứng kiến xác rùa biển, chim, cá voi… chứa đầy rác nhựa bên trong cơ thể. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây cho thấy rác nhựa còn xuất hiện trong cả những con cá con.

Theo một nghiên cứu của ĐH Georgia (Mỹ), rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc chủ yếu từ đất liền và các con sông, rồi theo dòng nước đưa ra biển khơi.

Số lượng rác thải nhựa đại dương có thể lên đến 9 triệu tấn một năm.

Qua thời gian với những tác động ánh sáng, gió, dòng biển, những mảnh rác thải này đã bị phân tách rất nhỏ với kích thước dưới 1mm.

Các nhà khoa học cũng phân tích nhiều mẫu nước đại dương và cho thấy trong nước tồn tại những mẩu phân tử nhựa như polyethylene và polypropylene để lại tác động lâu dài đến môi trường.


Chỉ một chiếc găng tay có thể chứa rất nhiều mảnh rác thải nhựa li ti - (Ảnh: The New York Times).

Một trong những nghiên cứu do nhóm của Jonathan Whitney và Jamison Gove (Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ - NOAA) thực hiện đã mổ xẻ 650 con cá con vừa chào đời thì phát hiện có khoảng 60 con chứa những mẩu rác thải nhựa bên trong.

Với những con cá mới chào đời, việc ăn là vô cùng quan trọng, giúp chúng duy trì sự sống trong từng ngày. Nếu ngay bữa ăn đầu tiên mà ăn phải rác thải nhựa, cá không có đủ lượng calo nuôi cơ thể đến nỗi có thể chết ngay ngày đầu tiên.

Thậm chí, những mảnh rác cực nhỏ này có thể xé nát dạ dày còn mỏng của cá con.


Các mảnh rác có thể chứa vi khuẩn gây hại cho tôm con khi vừa mới thành hình - (Ảnh: The New York Times).

"Cá con đã vượt qua rất nhiều trở ngại mới có thể ra đời. Không quá 1% số trứng từ cá mẹ có thể nở thành cá con và có thể sống sót dưới tác động của nhiều yếu tố như sự thụ tinh, hiểm nguy từ những loài cá săn mồi… Giờ đây chúng lại đương đầu với rác thải nhựa" - ông Gove nói.

Về lâu dài, trong một số nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy khi tồn tại nhựa trong cơ thể, cá và những loài ăn cá - trong đó có cả con người - sẽ giảm bớt sự thèm ăn, và cơ thể không thể phát triển kích thước thông thường của mình.

Rác thải nhựa trong cơ thể còn làm cho các loài cá bị rối loạn sinh sản về sau. "Trước hết là khả năng cá đẻ ít trứng hơn, từ đó có thể làm giảm số lượng cá trong đại dương vốn đang ở mức báo động" - Susanne Brander - một nhà nghiên cứu chất độc ở ĐH Oregon (Mỹ), nói.


Những con cá con bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa mà nghiên cứu phát hiện - (Ảnh: The New York Times).


Những loại rác thải siêu nhỏ có thể ảnh hưởng đến cá - (Ảnh: The New York Times).

Cá con rất nhạy cảm với rác thải nhựa, do chúng chưa có kinh nghiệm phân biệt đâu là thức ăn an toàn, đâu là rác. Ngoài ra chúng không nhận được sự chăm sóc kỹ lưỡng từ cha mẹ mình.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cá là những bậc cha mẹ "vô tâm" nhất khi phần lớn chúng đẻ ra hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu trứng nhưng không bao giờ trông coi xem trứng ra sao, có bao nhiêu trứng nở thành cá con...


Tương quan kích thước các mảnh rác thải nhựa siêu nhỏ và cá sơ sinh - (Ảnh: The New York Times).

Nếu cá con bị rác thải nhựa "tấn công" ngày càng nặng nề, điều này sẽ để lại tác động lớn với thiên nhiên bởi cá là mắc xích vô cùng quan trọng chuỗi thức ăn toàn cầu.

Hiện nay, cá là nguồn protein cung cấp cho gần 3 tỉ người và vô số loài chim biển cũng như động vật thủy sinh khác. Tuy nhiên, số lượng cá hiện tại đã giảm đi phân nửa so với năm 1970, một số loài như cá hồi tự nhiên còn có mức giảm khủng khiếp, gần 2/3.

Nguyên nhân là chúng bị con người đánh bắt theo kiểu tận diệt, tác động của ô nhiễm môi trường cũng như những hệ quả của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Và ngày nay, có thể có thêm nguyên nhân là từ những mảnh rác thải nhựa siêu nhỏ…

Cập nhật: 25/04/2019 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video