Đêm 6-11, bão Peipah (bão số 6) hoạt động trên khu vực phía đông bắc biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng từ cấp 11 lên cấp 12 (118-133km/giờ), giật trên cấp 12.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo trong 24 giờ tới bão Peipah di chuyển chậm theo hướng tây, sau đó di chuyển dần theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Trong 24-48 giờ tới bão Peipah di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông bắc và giữa biển Đông có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 6. Biển động. Các cơ quan khí tượng quốc tế cũng nhận định bão Peipah đã mạnh lên cấp 12 nhưng có thể khi vào gần bờ sẽ yếu đi còn cấp 10. Dự kiến trưa 10-11 bão sẽ đổ bộ vào Nam Trung bộ.
Quân đội vào cuộc chống bão lũ
Theo thông tin từ Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, để đối phó với bão số 6, các đơn vị quân đội đã huy động lực lượng đến các khu vực trọng yếu triển khai công tác chống bão lũ.
Cụ thể, Quân khu 4 đã điều 330 cán bộ, chiến sĩ về ém sẵn ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt và sẵn sàng ứng phó khi bão số 6 đổ bộ. Ban chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế cũng điều động 80 chiến sĩ về giúp nhân dân huyện Phong Điền. Quân khu 5 đã huy động lực lượng thường trực 366 người, 2.276 dân quân tự vệ, 43 ôtô, 25 canô cao tốc, xuồng tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Quân khu 7 và Quân khu 9 đã có điện và phê chuẩn kế hoạch cho các đơn vị sẵn sàng cơ động phòng chống bão số 6 và lụt khi có lệnh.
Hướng đi của cơn bão Peipah (Ảnh: tsr.mssl.ucl.ac.uk)
Nhiều người chết khi lũ đã rút
Tính đến ngày 6-11, cả nước đã có 60 người chết do trận lũ vừa qua.
Theo thống kê bước đầu, trong ba đợt lũ vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã có 19 người chết và mất tích, phần lớn do chủ quan, coi thường tính mạng trong lúc mưa lũ xảy ra. Mặc dù các cấp chính quyền và các ngành chức năng đã liên tục cảnh báo trước hiểm họa của mưa lũ, nhiều trường hợp đáng tiếc vẫn đi qua vùng lũ, nước chảy xiết nên thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi. Hoặc có trường hợp thương tâm như cháu Nguyễn Đăng Mẫn (1 tuổi, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) do gia đình sơ ý để cháu ngã xuống nước lũ bị chết. Cũng có nhiều trường hợp bị lật ghe rơi xuống nước lũ chết khi đi câu cá, vớt củi.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 6-11 có thêm ba người chết do lũ lụt. Như vậy hiện cả tỉnh này có 18 người bị chết trong đợt mưa lũ này. Đặc biệt, hầu hết những người chết đều rơi vào thời điểm khi lũ rút.
Tiếp tục tìm nạn nhân vụ sạt lở núi Sáng 6-11, chúng tôi có mặt tại xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), nơi một mảng núi đã đổ xuống vùi lấp những công nhân viễn thông chiều 4-11.
Trưa 6-11, thi thể của nạn nhân Võ Thanh Vũ, kỹ thuật viên Trạm viễn thông Dung Quất, được tìm thấy dưới lớp đất đá sâu khoảng 3m. Thi thể anh Vũ đã được đưa về quê ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn an táng. Đến 17g cùng ngày, thi thể nạn nhân Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà, vẫn chưa được tìm thấy do khối lượng đất vùi lấp quá lớn. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định lệnh cho Tiểu đoàn bộ đội 48 sáng 7-11 đưa khoảng 200 chiến sĩ lên Tây Trà tiếp tục tìm kiếm thi thể anh Dũng. Ông Nguyễn Xuân Huế, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh sẽ xem xét các qui định, chế độ để sớm làm thủ tục phong liệt sĩ cho các cán bộ nhân viên hi sinh do sạt lở núi khi đang làm nhiệm vụ. M.THU - T.MINH |
K.VŨ - T.PHÙNG