Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, trong ngày 25/11, từ Khánh Hòa đến Bình Thuận rồi TP HCM có mưa rất lớn làm nhiều nơi bị cô lập, thiệt hại nặng.
Khánh Hòa: Nhiều khu vực bị cô lập
Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều tuyến đường tê liệt do mưa lớn. Cây cầu dẫn vào khu vực dân cư Bình Lập (xã Cam Lập, TP Cam Ranh) bị đánh sập khiến khu vực này cô lập. Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối từ sân bay Cam Ranh về TP Nha Trang, Tỉnh lộ 3 đều bị sạt lở nặng khiến giao thông ách tắc. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, đơn vị chức năng đã thông được đại lộ Nguyễn Tất Thành tại 2 vị trí sạt lở đèo Cù Hin.
Một khu dân cư ở TP Nha Trang bị sạt lở, ngập nặng. (Ảnh: KỲ NAM).
Tỉnh lộ 9, tuyến độc đạo nối đồng bằng lên huyện miền núi Khánh Sơn, đã tê liệt vì sạt lở. Trong khi đó, mưa lớn khiến hàng loạt xã ở phía Nam TP Cam Ranh ngập nặng. Nặng nhất ở khu vực Đồng Bà Thìn (phường Cam Nghĩa), đơn vị chức năng phải đi giải cứu khoảng 30 người đang mắc kẹt trong khi nước dâng cao.
Tại TP Nha Trang, mưa lũ đã kéo trôi hàng trăm khối đất đá và nước tạo thành từng dòng lớn ở xã Phước Đồng khiến nhiều hộ dân bị cô lập. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa đã điều phương tiện đến di dời 34 hộ dân ở gần chân núi đến nơi an toàn. Khu vực Đất Lành (xã Vĩnh Thái), người dân rất bức xúc vì nước từ các dự án trên núi đổ xuống ào ạt như thác khiến khu dân cư chìm trong bể nước. Bà Đinh Thị Lượm, một người dân ở đây, cho biết: "Tôi sống hơn 20 năm tại đây rồi, đây là lần đầu tiên nước ngập sâu như vậy".
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết TP ghi nhận thêm 15 điểm xung yếu phát sinh so với phương án phòng chống thiên tai đã lập. Theo đó, chính quyền đã di dời gần 1.400 hộ dân với 5.818 người ở các xã Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên…
Ninh Thuận, Bình Thuận: Lũ về như thác
Tại Ninh Thuận, đến cuối chiều 25/11, rất nhiều khu dân cư ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, TP Phan Rang - Tháp Chàm chìm trong nước do lũ từ thượng nguồn đổ về dữ dội; gần 500 ha lúa bị ngập. Chính quyền đã sơ tán khẩn cấp hơn 40.000 người dân ở những vùng trũng thấp, ven sông suối.
Hiện nước sông Cái qua các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, TP Phan Rang - Tháp Chàm; sông Lu ở huyện Ninh Phước đã trên mức báo động 3 và đang tiếp tục tăng nhanh. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng - Thủy văn Ninh Thuận, mưa to vẫn đang trải rộng khắp tỉnh nên khả năng lũ lụt sẽ còn rất phức tạp. Để bảo đảm an toàn hồ đập, Ninh Thuận đã bắt đầu xả lũ nhiều hồ thủy lợi: Trà Co, Phước Trung, Phước Nhơn, Bà Râu, Nước Ngọt.
Tại tỉnh Bình Thuận, thống kê đến cuối giờ chiều 25/11 đã có 36 tàu cá của ngư dân bị chìm, 18 nhà hư hỏng. Ngoài ra, hiện hơn 2,5 km bờ biển ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại huyện Tuy Phong, kè bảo vệ bờ biển Phước Thể đã bị sóng đánh sụp 25 m2. Bờ biển tại khu vực Trung tâm giống Chí Công bị sạt lở hơn 15 m, sâu vào đất liền 1 m, đang uy hiếp tuyến đường giao thông ĐT 716 của địa phương này.
Ở phía Nam Bình Thuận, tình trạng mưa lớn kết hợp với triều cường làm cho toàn bộ khu vực Hồ Tôm ở xã Tân Phước, thị xã La Gi, ngập sâu trong nước. Thị xã La Gi đã tiến hành di dời khẩn 109 hộ dân đến nơi tránh trú an toàn.
Thành Phố Hồ Chí Minh: ngập đường, giao thông tê liệt
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh bị ngập sâu nhiều đoạn, các phương tiện ôtô, xe máy không thể lưu thông.
Mưa lớn kèm gió mạnh kéo dài làm nhiều tuyến đường ở TP.HCM tê liệt vì ngập sâu. Nhiều cây xanh, cột điện bị đổ ngã khiến một người tử vong.
Rất nhiều tuyến đường, hẻm nhà dân bị ngập sâu như Điện Biên Phủ, D1, D2, Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng, Ung Văn Khiêm, quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh... (quận Bình Thạnh); Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương... (quận 2); Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); quốc lộ 1, Hồ Ngọc Lãm, Bình Trị Đông... (quận Bình Tân); Cây Trâm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp); Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)...
Đường sắt tê liệt
Tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết trong ngày 25/11, do ảnh hưởng bão số 9, nhiều địa phương đã có mưa lớn làm hư hỏng một số đoạn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đường sắt qua Khánh Hòa tê liệt hoàn toàn do nước ngập đường ray, cuốn trôi nón cầu… 11 đoàn tàu với gần 2.600 hành khách và 6 đoàn tàu hàng phải dừng lại. Ngành đường sắt đã hợp đồng trên 13 ôtô để chuyên chở hành khách và phục vụ suất ăn và nước uống miễn phí trong thời gian chờ chuyển tải.
Trước đó, rạng sáng 25-11, tại khu vực giữa 2 ga Cà Rôm - Phước Nhơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, hàng trăm mét đường sắt bị nước lũ cuốn trôi nền đường. Cung đường giữa 2 ga Hòa Trinh - Cà Ná (huyện Ninh Phước) cũng bị ngập sâu.
Ngay sau khi nhận được thông tin thiệt hại, VNR yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão khu vực 3 trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường để tổ chức cứu chữa. Đến nay, một số đoạn ở khu vực Nha Trang đã trả lại tốc độ chạy tàu 15 km/giờ. Riêng các đoạn đường sắt hư hỏng ở Ninh Thuận vẫn chưa khắc phục xong do mưa lớn kéo dài, nước chảy xiết.
Đề phòng lũ quét, ngập lụtTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 25/11, sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của áp thấp, đêm 25 và sáng 26/11, các tỉnh, TP phía Nam của Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ nay đến đêm 27-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên các tỉnh, TP từ Quảng Trị đến Khánh Hòa cũng có mưa lớn. Trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. |