Điều này đã được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khẳng định ngay sau khi Chính phủ New Zealand công bố loạt giải pháp nhằm cứu phân loài cá heo Maui (Cephalorhynchus hectori maui) khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Trong lúc số lượng cá heo Maui ước tính chỉ còn khoảng 55 cá thể thì việc ban hành và nhanh chóng triển khai những nỗ lực bảo tồn hiệu quả là vô cùng cần thiết. Song, thay vì nắm bắt cơ hội phục hồi quần thể cá heo nhỏ nhất thế giới, bộ giải pháp mà Chính phủ New Zealand đưa ra dường như không đủ để bảo vệ chúng, thậm chí còn khiến người ta nghĩ rằng Chính phủ nước này đang cố tình cho phép duy trì một phương pháp đánh bắt có khả năng hủy diệt tương lai cá heo Maui - bà Rebecca Bird, Quản lý Chương trình Biển của WWF - New Zealand, nhận định.
Phân loài cá heo Maui đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng (Ảnh: DOC)
Hiện đánh bắt cá vẫn đang là mối đe dọa hàng đầu đối với sự sống của loài cá heo quý hiếm. Thế nên nếu chỉ cấm sử dụng lưới đăng và các thiết bị đánh bắt khác ở một số khu vực nguy cấp hoặc vẫn cho phép dùng lưới đánh bắt trong phạm vi nhất định khi có người giám sát trên tàu…, chắc chắn sẽ không giúp ích nhiều cho hoạt động bảo tồn quần thể cá heo Maui ít ỏi còn sót lại.
Ngoài ra, bộ giải pháp mới công bố khả năng sẽ không thể bảo vệ được các hành lang biển kết nối cá heo Hector (Cephalorhynchus hectori) ở phía nam với cá heo Maui - một phân loài của nó.
Do đó, WWF kêu gọi Chính phủ nước sở tại cần có những hành động mạnh mẽ, dứt khoát hơn, đồng thời đề nghị người dân New Zealand tham gia tích cực hơn vào các nỗ lực đưa cá heo Maui thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng chứ không đơn thuần cố gắng để số lượng quần thể này chỉ mất đi 1 cá thể trong vòng 10 - 23 năm tới.