Đau ở vị trí trên bên phải bụng, có thể bạn bị viêm gan, giun chui ống mật, viêm bể thận phải...
Đau bụng có thể bình thường không nguy hiểm, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn cần chú ý đến sức khỏe hơn. Việc xác định vị trí đau có thể giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân.
Bụng gồm có 2 vùng chính là thượng vị (trên rốn) và hạ vị (dưới rốn). Trong ổ bụng gồm có các tạng cơ bản như dạ dày - tá tràng, gan, lách, tuỵ tạng, hệ thống mật (đường dẫn mật và túi mật), ruột (đại tràng, ruột non, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang). Với phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo.
Các cơn đau bụng có thể do ăn quá no hoặc ăn quá nhiều một số loại thực phẩm (như thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm sinh hơi, hoặc người không dung nạp lactose ăn nhiều sữa). Các cơn đau này thường khỏi trong vài giờ hoặc kéo dài vài ngày. Đây là hiện tượng bình thường không nguy hiểm, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn cần chú ý đến sức khỏe hơn.
Việc xác định vị trí đau có thể giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân.
Trong một số trường hợp, đau có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn nặng hơn. Dưới đây là một số vị trí đau ở ổ bụng để có thể nhận biết các bệnh:
- Bụng trên bên phải: Thường do viêm gan, giun chui ống mật, viêm màng phổi bên phải, viêm bể thận của thận bên phải.
- Bụng trên bên trái: Phần nhiều do viêm tuyến tụy cấp, lách to, viêm màng phổi dưới bên trái, viêm bể thận của thận bên trái.
- Chính giữa bụng trên: Thường thấy trong bệnh viêm dạ dày cấp tính, viêm loét đường tiêu hóa, viêm màng tim, bị suyễn nặng.
- Bụng dưới bên phải: Có thể do lao ruột, bệnh do ký sinh trùng a-míp, viêm ruột thừa cấp tính.
- Bụng dưới bên trái: Do bệnh lỵ trực khuẩn, bí đại tiện.
- Xung quanh rốn: Thường do giun đũa, viêm ruột, dị ứng thức ăn, viêm ruột non do xuất huyết cấp tính, tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột...
- Bụng vùng thắt lưng: Có thể gặp trong trường hợp viêm bể thận, sỏi thận.
Biểu hiện đau bụng có thể gặp trong nhiều bệnh, vì thế khi bị đau bụng chưa rõ nguyên nhân thì tạm thời không cho người bệnh ăn uống. Người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế, không tự ý dùng thuốc hay dùng thuốc theo sự mách bảo của người không phải là thầy thuốc.