Bất ngờ về “người châu Âu đầu tiên": Không phải loài chúng ta!

Một di chỉ ở Tây Ban Nha được xác định là nơi đầu tiên ở châu Âu có dấu chân của một loài thuộc tông Người.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Earth-Science Reviews đã giúp giải quyết một trong những tranh luận lâu nhất trong ngành cổ nhân chủng học: Người tiền sử đến châu Âu khi nào?

Tờ Sci-News dẫn lời nhà cổ nhân chủng học Luis Gibert từ Đại học Barcelona (Tây Ban Nha), tác giả chính của nghiên cứu: "Niên biểu di cư của Homo ra khỏi châu Phi đã mở rộng đáng kể trong 4 thập kỷ qua".

Homo là một trong 4 chi của tông Người mà cho đến nay vẫn còn loài tồn tại, cũng là chi mà chúng ta và những loài họ hàng gần nhất thuộc về.


1,32 triệu năm tước, một loài thuộc chi Homo đã chinh phục châu Âu - (Ảnh minh họa AI: Anh Thư).

Mặc dù một số loài thuộc chi Homo còn mang dáng dấp vượn nhân hình, nhưng nói chung tất cả đều đã vượt lằn ranh tiến hóa đáng kể để có thể trở nên gần giống người hiện đại về nhiều mặt.

Vào năm 1982, bằng chứng lâu đời nhất về Homo ở Châu Á được xác định bằng phương pháp cổ từ là 0,9 triệu năm trước ở đảo Java (Indonesia) và 0,7 triệu năm trước ở nước Ý thuộc châu Âu.

40 năm sau, niên đại của người Homo đầu tiên ngoài châu Phi được mở rộng đến 1,8 triệu năm trước qua các di chỉ ở ở Nam Kavkaz (một khu vực ở biên giới giữa châu Á và châu Âu).

Ngoài ra, các bằng chứng về Homo 1,7-2,1 triệu năm trước cũng được tìm thấy ở Trung Quốc và 1,5-1,3 triệu năm trước ở Java.

Tại châu Âu, các dữ liệu cổ từ sau đó cũng cho thấy một số địa điểm có dấu vết Homo vốn lâu đời hơn mốc 0,77 triệu năm trước.

Lần này, các tác giả đã sử dụng phương pháp xác định niên đại từ địa tầng, một phương pháp định tuổi dựa vào trạng thái từ trường của Trái đất tại thời điểm trầm tích hình thành, để nghiên cứu 5 di chỉ ở vùng Orce của Tây Ban Nha.

Năm di chỉ này đều được phân tầng và nằm trong một chuỗi trầm tích dài hơn 80 m.

Họ đã xác định được 3 di chỉ trong số đó có dấu vết của các loài thuộc chi Homo, có niên đại lần lượt là 1,32 triệu năm (di chỉ Venta Micena), 1,28 triệu năm (Barranco León-5) và 1,23 triệu năm (Fuente Nueva-3).

Tất nhiên, với niên đại này, loài người chinh phục châu Âu không phải loài chúng ta. Vào thời điểm đó, trên Trái đất có rất nhiều loài người tồn tại, nổi bật nhất có thể kể đến Homo erectus, biệt danh "người đứng thẳng", vốn ra đời khoảng 2 triệu năm trước.

Mãi đến 300.000 năm trước, Homo sapiens - tức "người tinh khôn", là chúng ta - mới ra đời.

Phát hiện mới cho thấy eo biển Gibraltar - một eo biển hẹp nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương - có thể từng là cửa ngõ quan trọng cho một cuộc di cư lớn của nhiều loài từ châu Phi đến châu Âu, từ vượn người cho đến hà mã.

Về lý do con người tìm đến châu Âu sau châu Á, nhóm nghiên cứu cho rằng là vì họ phải đợi đến khi có đủ công nghệ cần thiết để vượt qua rào cản hàng hải, giống như đã từng xảy ra cách đây 1 triệu năm trên đảo Flores - Indonesia.

Tuyến đường Gibraltar hiện nay bao gồm tuyến đường biển dài tới 14km. Nhưng có lẽ trong quá khứ, khoảng cách này từng ngắn hơn vào một số thời điểm do hoạt động kiến tạo mạnh trong khu vực và mực nước biển dao động lớn, có khi ở mức rất thấp.

Nhiều động vật châu Phi khác cũng đã di cư qua Gibraltar vào khoảng 6,2 và 5,5 triệu năm, khi eo biển này hẹp hơn bây giờ rất nhiều.

Cập nhật: 17/07/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video