Bé gái cầm rắn trên tay mà không hay biết đó là loài cực độc

Một bé gái 11 tuổi đã bắt gặp và cầm một con rắn lên tay vì cảm thấy đáng yêu, nhưng không hay biết đó là loài rắn sở hữu nọc độc chết người.

Đoạn clip được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Stewy, một chuyên gia bắt rắn nổi tiếng sống tại ngoại ô thành phố Melbourne (Úc), cho thấy hình ảnh một bé gái sống tại ngoại ô thành phố Sydney, đang sử dụng điện thoại để quay một con rắn cỡ nhỏ mà cô bé đang cầm trên tay.


Bé gái 11 tuổi cầm con rắn lên tay vì tưởng rằng đây là một con rắn không độc. (Ảnh cắt từ clip).

Stewy cho biết đoạn clip được bà của bé gái này gửi đến cho anh để nhờ xác định con rắn. Người này cho biết cháu gái của mình đã nhìn thấy con rắn trong lúc đi dạo và bị thu hút bởi kích thước nhỏ nhắn của con vật nên đã nhặt nó lên.

Bé gái 11 tuổi này sau đó dùng smartphone để quay video "khoe" con vật mình vừa bắt được. Đoạn clip cho thấy con rắn đang quấn quanh những ngón tay của cô bé.

"Cháu vừa tìm thấy một con rắn. Nó là một con rắn sọc", cô bé nói trong đoạn clip được Stewy chia sẻ.


Bé gái bắt rắn để chơi mà không hay biết đó là loài cực độc (Video: Facebook).

Việc cho rằng con rắn mình vừa bắt được là rắn sọc, loài rắn sở hữu nọc độc nhẹ không gây nguy hiểm cho con người, đã khiến cô bé tự tin cầm con rắn trên tay. Nhưng khi Stewy xem đoạn clip, anh đã rất sốc khi phát hiện ra con vật mà cô bé đang cầm trên tay sở hữu nọc độc chết người.

"Đây là một con rắn nâu phương đông, loài rắn sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm", Stewy viết lên trang Facebook cá nhân, kèm theo đoạn clip của cô bé 11 tuổi. "Cô bé trong đoạn video này đã cực kỳ may mắn vì không bị con rắn cắn. Cha mẹ của cô bé có lẽ nên mua vé số".

"Trong đoạn video, cô bé gọi con vật là rắn sọc, một loài rắn không độc nhưng chỉ có ở nước khác. Chúng trông hơi giống nhau và chắc chắn những thông tin về loài rắn có thể được tìm thấy trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube hay TikTok", Stewy viết thêm. "Rắn nâu phương đông là loài rắn sở hữu nọc độc thần kinh và gây ra nhiều ca tử vong do rắn cắn tại Úc. Đây là một tình huống cực kỳ nguy hiểm và cô bé này hoàn toàn có thể bị con rắn cắn chết".

Từ câu chuyện của bé gái này, Stewy đã kêu gọi các bậc phụ huynh cần phải giáo dục trẻ em tránh xa và tuyệt đối không được chạm vào các loài động vật hoang dã nói chung và các loài rắn nói riêng nếu bắt gặp chúng ở bất cứ đâu.

"Hãy luôn nhắc nhở trẻ em không tiếp xúc hay tương tác với bất kỳ động vật hoang dã nào. Giáo dục là chìa khóa để đảm bảo những tình huống tương tự như bé gái này không lặp lại", Stewy nhấn mạnh.


Chuyên gia bắt rắn Stewy đã phải đưa ra lời cảnh báo khi phát hiện con rắn trong đoạn clip là loài cực độc. (Ảnh: STSC).

Rắn nâu phương đông thuộc họ rắn hổ, được xem là loài rắn sở hữu nọc độc thứ 2 trên thế giới, chỉ sau rắn biển. Loài rắn này sở hữu nọc độc thần kinh, sau khi cắn có thể khiến nạn nhân bị tê liệt và chảy máu không ngừng, bao gồm cả chảy máu não.

Đây là loài rắn phổ biến tại Úc, có thể gặp ở sân vườn hoặc những khu dân cư. Thức ăn của chúng là các loài động vật nhỏ như chuột, ếch, chim, thằn lằn… Khi trưởng thành, rắn nâu phương đông có thể dài từ 1,5 đến 1,8m và đôi khi có thể dài đến 2m, nhưng khá hiếm.

Rắn nâu phương đông hoạt động vào ban ngày. Khi bị kích động hoặc cảm thấy bị đe dọa, chúng có thể vươn cao cổ và tung ra cú mổ chết chóc. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, loài rắn này sẽ tìm cách lẩn trốn con người thay vì chủ động tấn công.

Cập nhật: 24/10/2022 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video