Bệnh Alzheimer sau một thế kỷ khám phá

Ảnh chụp não của bệnh nhân Alzheimer. (Ảnh: BBC)

Nhiều hoạt động, hội thảo về bệnh Alzheimer đã và đang được tổ chức tại nhiều nước trong tháng 11 này nhằm đánh dấu 100 năm nhà thần kinh học người Đức - Tiến sĩ Alois Alzheimer (1864-1915) lần đầu tiên mô tả căn bệnh này. Mặc dù đưa ra nhiều phương pháp có thể hạn chế ảnh hưởng của bệnh Alzheimer nhưng y học vẫn chưa tìm ra liệu pháp đặc trị cho chứng bệnh gây mất trí nhớ ở người già này.

Ngược dòng lịch sử, tháng 11-1906, bác sĩ Alois Alzheimer lần đầu tiên mô tả trường hợp bệnh nhân Auguste bị mất trí nhớ ở tuổi 50 và chết không lâu sau đó. Ông ghi trong hồ sơ bệnh án: “Auguste D luôn bị mất ngủ và nhầm lẫn”. Cách điều trị bao gồm thụt rửa ruột vào giờ nghỉ buổi chiều, đầu bữa tối kết hợp chút rượu và thuốc an thần liều nhẹ để giúp bệnh nhân dễ ngủ.

Một thế kỷ sau, các nhà khoa học hiểu rõ hơn về căn bệnh được đặt tên theo tiến sĩ Alzheimer và có thể phát hiện bệnh sớm hơn. Nhưng thế giới vẫn chưa tìm ra cách điều trị hay phòng ngừa bệnh khởi phát. Giáo sư Simon Lovestone thuộc Tổ chức nghiên cứu bệnh Alzheimer (Anh) lạc quan tin rằng y học sẽ sớm có cách chữa trị căn bệnh này. “Mặc dù không thể phục hồi hoàn toàn chức năng não bị thoái hóa nhưng một vài tác động của bệnh sẽ được đẩy lùi. Khi đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện rất nhiều”, ông nói.

Alois Alzheimer (1864-1915)
(Ảnh: alp.mcgill.ca)

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hugh Pearson ở Đại học Leeds nhận định vẫn còn đó những trở ngại lớn trong quá trình nghiên cứu các phương pháp điều trị. Đó là thiếu kỹ thuật chẩn bệnh ngay từ rất sớm và không thể dễ dàng đảo ngược quá trình tự hủy của các tế bào thần kinh trong não. Nếu hai trở ngại này được khắc phục, bệnh mới có cơ may chữa khỏi.

Giáo sư Seth Love của Đại học Bristol cũng cho rằng do tính chất phức tạp của bệnh Alzheimer nên rất khó hy vọng một loại thuốc hay phương pháp can thiệp riêng lẻ sẽ ngừa hoặc chữa trị bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, bằng cách khuyến khích mọi người thay đổi lối sống, như chế độ ăn uống, để giảm nguy cơ mắc bệnh, và bằng cách can thiệp ức chế những yếu tố liên quan tới quá trình tiến triển bệnh, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được tiến bộ trong phương pháp phòng và trị bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ cho biết nhiều liệu pháp mới trực tiếp nhắm tới các cơ chế hoạt động cơ bản của bệnh Alzheimer, bao gồm thuốc ngăn chặn sự hình thành các mảng bám giàu protein gây tổn thương não - đặc trưng của bệnh.

Hiện nay, Tổ chức bệnh Alzheimer ở Anh đang thực hiện 2 nghiên cứu nhằm phòng ngừa bệnh thông qua việc điều chỉnh thói quen ăn uống. Một là nghiên cứu các vitamin nhóm B để giảm hàm lượng chất homocysteine – vốn có liên quan tới bệnh Alzheimer và bệnh tim. Nghiên cứu còn lại tập trung vào các loại dầu cá có chứa acid béo omega-3. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh tập thể dục, đặc biệt ở tuổi trung niên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, giữ tinh thần minh mẫn bằng cách giải câu đố, ô chữ là những cách có thể giúp phòng tránh nguy cơ bệnh.

M.H (Theo BBC)

Một số phương pháp khác đang trong quá trình thử nghiệm hứa hẹn khả năng chẩn đoán và ngăn chặn bệnh Alzheimer tiến triển. Nghiên cứu của Đại học California cho biết chất curcumin trong bột cà ri có khả năng làm giảm sự hình thành các mảng bám gây mất trí nhớ ở người bệnh Alzheimer. Viện Khoa học tâm thần Blanchette Rockefeller (Mỹ) phát triển kiểu xét nghiệm đơn giản trên da xác định những thay đổi về mặt hóa học để phân biệt sớm bệnh Alzheimer với các bệnh thoái hóa thần kinh khác.

Ngoài ra, bệnh Alzheimer có thể được phát hiện sớm bằng cách kiểm tra mắt hoặc xét nghiệm máu. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng chế độ ăn nhiều cá, rau quả tươi, các chế phẩm từ sữa, ít thịt đỏ có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh vì nó giúp duy trì các mạch máu lên não tốt hơn đồng thời cung cấp nhiều vitamin chống ôxy hóa để bảo vệ tế bào não khỏi thoái hóa.

Theo Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video