Năm 1932 tập đoàn Chisso ở Nhật xả nước thải nhiễm thủy ngân ra biển Minamata khiến tôm cá chết hàng loạt, người dân ăn cá đã bị nhiễm độc gây co giật, tê liệt, đau đớn đến chết hay sinh ra thế hệ dị tật.
Theo ENV, trang tin chính thức của Bộ Môi trường Nhật Bản, Minamata là một tỉnh ở đảo Kyushu. Sau sự kiện thảm khốc từ năm 1932, Minamata trở thành tên gọi của một chứng bệnh do nhiễm độc thủy ngân từ chất thải hóa học mà một khu công nghiệp xả trực tiếp ra biển. Nhắc đến bệnh này, nhiều thế hệ người dân xứ sở hoa anh đào còn bị ám ảnh và coi đây là một thảm họa môi trường thảm khốc nhất lịch sử. Nhiều vụ kiện kéo dài từ năm 1959 đến nay vẫn chưa đến hồi kết.
Năm 1908, tập đoàn Chisso bắt đầu mở nhà máy ở Minamata, lắp đặt hệ thống nước thải xả trực tiếp xuống vùng vịnh và biển quanh ngôi làng có khoảng 10.000 cư dân sinh sống. Lúc đầu đơn vị này được chính quyền cấp giấy cho phép hệ thống xả thải "ra thiên nhiên". Sau một thời gian hoạt động, nó gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá đến nỗi Hợp tác xã ngư nghiệp Minamata đã 2 lần đòi Chisso phải bồi thường. Không bao lâu sau hàng loạt người dân quanh khu vực được phát hiện nhiễm độc thủy ngân. Tôm cá chết trôi dạt vào bờ không đếm xuể.
Một trong những nạn nhân Minamata đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại. (Ảnh: ENV).
Năm 1926, Chisso đồng ý hỗ trợ cho hợp tác xã Minamata 1.500 Yen (khoảng 704 USD) theo tỷ giá đương thời. "Tiền thông cảm" là cách gọi của tập đoàn này để né tránh việc phải nhận trách nhiệm gây thiệt hại về môi trường vốn sẽ bị xử lý nghiêm bởi luật pháp nước sở tại. Để phòng ngừa nguy cơ bồi thường, bên bồi thường còn ghi thêm vào hợp đồng một điều khoản thỏa thuận rằng hợp tác xã cam kết "không bao giờ kiện nữa".
Áp dụng chiêu "vừa đấm vừa xoa", tập đoàn Chisso một mặt chối bỏ trách nhiệm, một mặt đàm phán trong khi vẫn không ngừng xả thải xuống biển suốt thời gian dài. Năm 1956, cư dân địa phương bắt đầu biết đến hội chứng bệnh lạ ở Minamata. Hàng nghìn người ăn cá nhiễm độc thủy ngân sau một thời gian đã bị á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật, thậm chí phát điên, tê liệt, hôn mê và tử vong chỉ sau vài tuần.
Để khống chế bệnh lạ, chính quyền tỉnh Kumamoto đã cấm bán hải sản đánh bắt từ vịnh Minamata nhưng không cấm đánh bắt tôm cá. Ngư dân vẫn đánh bắt mà không thể bán, cuộc sống ngày càng khó khăn, họ đành sống bằng chính lượng hải sản thu gom về.
Vào ngày Quốc tế lao động 1/5/1956, lần đầu tiên có người đặt tiền đề về căn bệnh trên. Đó là bác sĩ Hajime Hosokawa báo cáo một "bệnh dịch lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương" sau khi ghi nhận 4 bệnh nhân rối loạn thần kinh không rõ nguyên nhân. Chỉ ít lâu sau, 54 trường hợp khác được phát hiện, 17 người đã tử vong.
Bệnh không loại trừ một loài vật nào, ngay cả những con mèo ăn cá chết sau một thời gian cũng lên co giật rồi chết. Còn bệnh ở người xuất hiện triệu chứng run không kiểm soát, tê chân tay, giảm thị lực, co giật và đau đớn đến chết.
Thời ấy nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về nguyên nhân gây bệnh. Một số bác sĩ cho rằng đây là một dịch bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trong khi những người khác nói do di truyền. "Điều đáng sợ nhất chính là thứ chưa được giải mã", thế nên xã hội Nhật bấy giờ rất thành kiến đối với người mắc bệnh và gia đình họ đến nỗi bị từ chối tuyển dụng, cấm kết hôn và bị kỳ thị.
Năm 1959, các giáo sư Đại học Kumamoto đưa ra thông báo chính thức rằng căn bệnh ở vùng Minamata là bệnh thần kinh, do ăn cá và sinh vật có vỏ cứng từ vịnh Minamata. "Thủy ngân là mối quan tâm của chúng tôi. Nó có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và nhiễm độc cho cá, sinh vật có vỏ cứng", nhóm nghiên cứu viết.
Theo Japan Times, kết quả giám định tử thi cho thấy loại thủy ngân trong cơ thể người bệnh qua đời tương tự như trong chất thải công nghiệp của nhà máy hóa chất Chisso. Dù đại diện tập đoàn bác bỏ điều này, song nhiều thí nghiệm tiến hành trên mèo đã cung cấp thêm bằng chứng xác nhận mối nghi ngờ là có cơ sở.
Những đứa trẻ bị dị tật vì Minamata. (Ảnh: ENV).
Theo Japan Today, khoảng 3.000 người được chính thức công nhận là mắc bệnh Minamata. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn nằm ngoài danh sách cứu trợ do chưa đủ điều kiện được công nhận nhiễm bệnh.
Mãi đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh. Cùng lúc đó, công ty tiếp tục xả nước thải ô nhiễm ra biển, làm nhiễm độc cá, khiến người dân địa phương mắc bệnh sau khi ăn cá. Căn bệnh ngày càng lan rộng trong khu vực.
Căn bệnh không chỉ giới hạn ở Minamata và khu vực lân cận. Năm 1965, nhiều người dân có biểu hiện tương tự bệnh Minamata đã được phát hiện ở lưu vực sông Agano thuộc tỉnh Niigata. Sau này còn có "sự kiện bệnh Minamata thứ hai" còn gọi là bệnh Niigata Minamata được xác định do thủy ngân hữu cơ từ nước thải nhà máy Showa Denko K.K gây ra.
Năm 1977, chính phủ Nhật Bản thông qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn trong việc xác nhận nạn nhân của Minamata. Theo đó, những người có các biểu hiện đặc trưng như rối loạn cảm giác ở chân tay, hạn chế tầm nhìn hay mất khả năng vận động mới được công nhận là bệnh nhân Minamata. Đến nay, vẫn còn 33.450 người trong danh sách chờ.
Tập đoàn Chisso cũng đồng ý với phán quyết của thành phố Minamata. Thỏa thuận bồi thường đầu tiên giữa Chisso và ngư dân đã được thực hiện. Tuy nhiên thảm họa về môi trường và những vụ kiện tụng liên quan đến Minamata vẫn chưa dừng lại cho đến ngày nay.