Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được thay tim nhân tạo đã qua đời vào hôm 3/3, tức 75 ngày sau khi thực hiện ca phẫu thuật vào tháng 12/2013.
>>> Tim nhân tạo tự điều hoà Carmat lần đầu được cấy ghép
Thông tin trên được công bố bởi bệnh viện Georges Pompidou European ở Paris, nơi thực hiện ca phẫu thuật. Bệnh viện này cũng cho biết thêm rằng chưa thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong của bệnh nhân tại thời điểm này.
Bệnh nhân là một cụ ông 76 tuổi, được ghép tim nhân tạo do mắc chứng suy tim mãn tính - tim cụ không thể truyền đủ máu cho các bộ phận trên cơ thể. Các bác sỹ đã kết luận rằng cụ chỉ còn có thể sống được vài tuần, thậm chí vài ngày.
Tim nhân tạo do Carmat chế tạo. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Quả tim thay thế được chế tạo bởi công ty Carmat của Pháp, được thiết kế nhằm đảm nhận vai trò như một quả tim thật trong vòng 5 năm, và hoạt động dựa vào nguồn điện lấy từ pin lithium-ion rời bên ngoài. Nó được cấy ghép vào lồng ngực của bệnh nhân và có trọng lượng gấp khoảng 3 lần so với tim thật (gần 1kg).
Quả tim được tạo ra nhằm giúp hàng ngàn bệnh nhân tim, những người có nguy cơ tử vong vì không tìm được người hiến tạng có cơ hội sống sót dài hơn.
Cuộc phẫu thuật thử nghiệm được coi là thành công nếu bệnh nhân có thể sống sót với quả tim cấy ghép trong vòng ít nhất 1 tháng. Sắp tới sẽ có thêm ba bệnh nhân được cấy ghép tim nhân tạo, và nếu thử nghiệm này thành công, tim nhân tạo do Carmat thiết kế sẽ được đưa vào cơ thể của khoảng 20 bệnh nhân với tình trạng bệnh nhẹ hơn.
Carmat dự tính rằng có khoảng 100.000 bệnh nhân Mỹ và châu Âu có thể hưởng lợi ích từ việc chế tạo và cấy ghép thành công tim nhân tạo. Trên thị trường, tim nhân tạo có thể có giá trị lên tới 16 triệu euro.