Phong cùi, bệnh vừa tái xuất ở Lạng Sơn, là loại truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn, gây thương tổn ở da, dây thần kinh ngoại biên và tàn tật vĩnh viễn.
Phong cùi có 4 thể bệnh, gồm thể bất định là giai đoạn sớm của bệnh, thể củ, thể trung gian, thể u hay còn gọi là thể ác tính. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân bệnh phong thành nhóm ít vi khuẩn và nhóm nhiều vi khuẩn.
Bản chất phong cùi là nhiễm trùng mãn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae (Hansen) gây nên. Bệnh tiến triển âm thầm, có khi suốt đời. Phong cùi có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với chất nhầy của người bị bệnh qua da hoặc niêm mạc bị xây xước. Tuy nhiên bệnh ít, khó lây và có tỷ lệ lây thấp, chỉ 3-6% bị lây nhiễm giữa vợ và chồng.
Thời gian ủ bệnh dài 2-3 năm, một số trường hợp có thể ủ bệnh 5-10 năm. Phong u lây nhiều hơn phong củ, gián tiếp qua nước, đất hoặc trong điều kiện sống thân thiết kéo dài.
Khi mắc phong cùi, cơ thể bệnh nhân xuất hiện các vết đỏ hồng hoặc vết dát trắng bạc màu, dát sẫm màu. Ở thể phong củ, bệnh nhân có các đám mảng đỏ, gồ cao, bờ có củ nhỏ hoặc củ to lấm tấm bằng đầu tăm, hạt đỗ, hạt ngô, sau để lại seo. Ở thể phong u, các đám đổ sẫm gồ cao trên mặt da, bóng, giới hạn không rõ, ấn vào cộp lên, hay ăn vào lông mày, trán. Các triệu chứng này thường đi kèm với việc bị giảm và mất dần cảm giác ở các đám tổn thương, viêm, sung một số sợi dây thần kinh hoặc sưng lổn nhổn như chuỗi hạt.
Bệnh nhân phong cùi sẽ bị teo cơ đầu chi, cơ liên cốt bàn tay, bàn chân, có thể cả cơ cẳng chân, cẳng tay, liệt thần kinh hông, khoeo khiến đi lết. Bệnh gây rối loạn dinh dưỡng làm hỏng móng, da, gây loét ổ gà ở bàn chân, dai dẳng, khó lành và gây cụt, rụt ngón tay, chân. Da của bệnh nhân phong khô hoặc mỡ, ít tiết mồ hôi.
Phong cùi còn gây tổn thương mắt, viêm giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa tàn phế, có thể gây tổn thương toàn bộ cơ quan của cơ thể người.
Bàn tay của người mắc bệnh phong. (Ảnh: MedSIT).
Các tàn tật trên cơ thể khiến nhiều người mặc cảm, kỳ thị, sợ hãi, xa lánh người bệnh phong. Bệnh từng được coi là một trong tứ chứng nan y, không thể điều trị được. Cho tới năm 1941, người Mỹ bắt đầu áp dụng đa hóa trị liệu vào điều trị, bệnh phong bắt đầu được kiểm soát. Năm 1982, WHO khuyến cáo áp dụng rộng rãi đa hóa trị liệu, giúp cắt đứt nhanh nguồn lây, mở ra hướng mới loại trừ bệnh phong trên toàn cầu.
WHO đã công nhận Việt Nam loại trừ được bệnh phong từ năm 2000 do có tỷ lệ lưu hành dưới một phần mười ngàn dân số. Tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng cho biết vẫn phát hiện nhiều trường hợp mắc phong hàng năm, vì vậy Bộ Y tế vẫn duy trì chương trình phòng, chống phong cho đến khi thanh toán hoàn toàn bệnh phong. Chưa có vaccine phòng bệnh phong. Bệnh phong nay xuất hiện ở Lạng Sơn, trên một người đàn ông 35 tuổi.
Hiện nay, bệnh có thể khống chế, điều trị bằng đa hóa trị liệu kết hợp vật lý trị liệu nhằm mục tiêu chữa khỏi bệnh và chống tàn phế, không để bệnh lây lan. Các bệnh nhân phong có thể điều trị tại gia đình, tại bệnh viện như nhiều người bệnh khác.