Theo các chuyên gia y tế thế giới, người châu Á có nguy cơ mắc phải căn bệnh tiểu đường cao gấp 6 lần so với người da trắng. Trong những thập kỷ tới, căn bệnh này có thể đạt cấp độ “đại dịch” không chỉ tại các nước châu Á mà còn ở cả cộng đồng người châu Á sống ở nước ngoài.
Khi trở nên giàu có hơn, người châu Á đang từ bỏ các loại thực phẩm truyền thống để tìm đến những món ăn đầy chất béo. Thay cho gạo và rau là bánh hamburger, pho mát và thịt gà rán. Và cộng với việc lười vận động (do công việc quá bận rộn), cái giá phải trả chính là bệnh tiểu đường - nguy cơ số 1 đối với sức khỏe người châu Á .
Các cửa hàng thức ăn nhanh mọc lên như nấm tại các nước châu Á là một phần nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tiểu đường gia tăng (Ảnh: Reuters) |
Dự báo của các tổ chức y tế thế giới, tới năm 2025, số lượng bệnh nhân tiểu đường tại khu vực tây Thái Bình Dương, kéo dài từ Mông Cổ và Nhật Bản cho đến New Zealand, sẽ lên đến 100 triệu - vượt xa mức 67 triệu hiện nay. Hai quốc gia có số lượng bệnh nhân tiểu đường tăng nhanh nhất sẽ là Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện tại, trên toàn thế giới có khoảng 246 triệu bệnh nhân tiểu đường, và con số này sẽ lên đến 380 triệu vào năm 2025. Mỗi năm, căn bệnh nan y này cướp đi sinh mạng của 3 triệu người. Các chuyên gia cảnh báo giờ đây tiểu đường không chỉ tấn công người cao tuổi mà cả những đối tượng trẻ hơn.
HIẾU TRUNG