Bí ẩn về cái chết và ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra vị trí ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng như nguyên nhân khiến ông qua đời.

Cái chết của Thành Cát Tư Hãn bị bao phủ bởi những bí ẩn. Thành Cát Tư Hãn qua đời vào mùa hè năm 1227 trong một chiến dịch đánh Tây Hạ dọc thượng nguồn sông Hoàng Hà ở Ngân Xuyên. Nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa rõ ông chết như thế nào. Một giả thuyết là Thành Cát Tư Hãn mất do những vết thương trong khi giao chiến với kẻ thù, theo ghi chép của Marco Polo hoặc do ngã ngựa khi đi săn, theo Mông Cổ bí sử (tác phẩm về hoàng tộc Mông Cổ được viết sau này). Bí ẩn về cái chết của Thành Cát Tư Hãn thu hút nhiều suy đoán đến mức rất khó để phân biệt giữa sự thật và hư cấu, theo IFL Science.


Chân dung của Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Wikipedia).

Rất lâu trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn muốn được chôn trong một ngôi mộ vô danh trên núi Burkhan Khaldun. Theo Mông Cổ bí sử, trong lúc đi săn gần núi Burkhan Khaldun trên dãy Khentii ở quê hương của ông, Thành Cát Tư Hãn ngồi nghỉ dưới một gốc cây và bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp nên yêu cầu được chôn trên núi. Burkhan Khaldun còn có ý nghĩa quan trọng khác trong cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn. Trong một trận chiến chống lại bộ tộc Miệt Nhi Khất, Thành Cát Tư Hãn thoát chết trong gang tấc và chạy trốn tới núi Burkhan Khaldun, nơi ông được một người phụ nữ lớn tuổi cho ở nhờ.

Sau khi ông chết, thi thể của ông được quân lính hộ tống về quê hương và chôn cất như ý nguyện trong ngôi mộ vô danh ở trung tâm núi Burkhan Khaldun. Không có vật gì đánh dấu vị trí chôn cất như lăng mộ, đền thờ, bia mộ, do đó không ai biết Thành Cát Tư Hãn yên nghỉ ở đâu. Khi nhà thám hiểm Marco Polo tới khu vực vào cuối thế kỷ 13, không người Mông Cổ nào mà ông hỏi thăm biết nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn.

Không lâu sau khi chôn cất ông, quân lính phong tỏa toàn bộ khu vực rộng hơn 620km2 và gọi đó là Ikh Khorig hay "Cấm địa". Vốn rất khó tiếp cận do một loạt ngọn núi bao phủ bởi rừng rậm ngăn cách, khu vực này trở thành nơi linh thiêng, hạn chế mọi người dân tới gần trừ các thành viên trong gia đình và Darkhad, một nhóm tướng lĩnh và gia đình họ có nhiệm vụ đảm bảo không ai xâm nhập vào đây. Hình phạt cho kẻ xâm phạm là cái chết. Darkhad và hậu duệ của họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngay cả sau khi đế quốc Mông Cổ sụp đổ.

Vào thập niên 1990, một cuộc thám hiểm của Nhật Bản - Mông Cổ mang tên Gurvan Gol (Ba dòng sông) được tiến hành nhằm tìm kiếm ngôi mộ. Sử dụng phương pháp siêu âm, họ xác định 1.380 địa điểm có thể chứa ngôi mộ nhưng quá trình nghiên cứu sâu hơn bị cản trở bởi các cuộc biểu tình phản đối dữ dội từ người dân địa phương. Hiện nay, núi Burkhan Khaldun là Di sản Thế giới UNESCO nên càng khó tiến hành công tác khảo cổ tại chỗ.

Do tiếp cận hạn chế, một số nhà nghiên cứu chuyển sang sử dụng ảnh vệ tinh. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Albert Yu-Min Lin, nhà khoa học ở Đại học California, San Diego, nhờ tình nguyện viên trực tuyến kiểm tra hàng nghìn bức ảnh độ phân giải cao chụp Mông Cổ từ vệ tinh để tìm dấu hiệu của ngôi mộ. Vấn đề là nhóm nghiên cứu không biết cần tìm dấu hiệu gì, do đó tình nguyện viên được yêu cầu chú ý bất cứ thứ gì khác thường.

Chỉ trong 6 tháng, hơn chục nghìn tình nguyện viên đánh dấu 2 triệu địa điểm và nhóm nghiên cứu rút gọn danh sách xuống 100 địa điểm. Một đội thực địa thám hiểm những địa điểm này và xác định 55 nơi có ý nghĩa về mặt khảo cổ và văn hóa. Tuy nhiên, không nơi nào trong số này có mộ của Thành Cát Tư Hãn.

Cập nhật: 18/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video