"Bí mật" giúp cá sấu có thể sinh sôi mạnh mẽ tại con sông siêu ô nhiễm chứa tới 150 triệu loài vi khuẩn

Những con cá sấu Crocodylus acutus dường như không hề "bối rối" trước khoảng 150 triệu loại vi khuẩn được phát hiện ở sông Tarcoles - con sông ô nhiễm nhất Trung Mỹ.

Các chuyên gia cho biết tại một trong những con sông ô nhiễm nhất ở Trung Mỹ, một loài cá sấu dễ bị tổn thương lại đang phát triển mạnh về số lượng. Đây được coi là một điều kỳ lạ, khi vùng nước nơi chúng sinh sôi lại đang thành nơi thoát nước thải cho thủ đô của Costa Rica.

Hàng ngày, rác và nước thải từ các hộ gia đình và nhà máy ở San Jose tràn vào sông Tarcoles, trong khi lốp xe và nhựa tràn ngập ở rừng ngập mặn xung quanh con sông. Tuy nhiên, khoảng 2.000 con cá sấu Mỹ đã thích nghi với cuộc sống ở dòng sông cực kỳ ô nhiễm, nơi chứng kiến cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền sở tại với việc quản lý xả thải.

"Đó là một khu vực siêu ô nhiễm, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quần thể cá sấu", Ivan Sandoval, nhà sinh vật học của Đại học Quốc gia Costa Rica cho biết.

"Sông Tarcoles là con sông ô nhiễm nhất ở Costa Rica và là một trong những con sông ô nhiễm nhất ở Trung Mỹ. Có thể tìm thấy kim loại nặng, nitrit, nitrat và một lượng lớn chất thải của con người", chuyên gia về cá sấu này cho biết thêm.


Một con cá sấu nằm gần bờ của sông Tarcoles - con sông được mệnh danh là ô nhiễm nhất Trung Mỹ.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), loài cá sấu Crocodylus acutus được IUCN đánh giá là "dễ bị tổn thương". Theo ước tính, chỉ còn khoảng 5.000 con cá sấu Crocodylus acutus – được tìm thấy ở 18 quốc gia – còn sót lại trên thế giới sau nhiều thập kỷ bị săn bắt và mất môi trường sống. Tuy nhiên, theo IUCN, số lượng của loài cá sấu này đã tăng lên trong những năm gần đây. Đặc biệt, quần thể cá sấu Crocodylus acutus tại Costa Rica được đánh giá là "đang tăng trưởng".

Trên thực tế, những con cá sấu Crocodylus acutus, vốn luôn phơi mình dưới ánh nắng mặt trời – dường như không hề "bối rối" trước khoảng 150 triệu loại vi khuẩn được phát hiện ở sông Tarcoles. Chúng được các nhà sinh vật học coi là "hóa thạch sống", với khả năng sống sót trong điều kiện rất khắc nghiệt.

"Chúng không phải thay đổi bất cứ thứ gì trong hàng triệu năm, chúng được thiết kế hoàn hảo".

Cá sấu là sinh vật có khả năng sinh tồn tuyệt vời

Ngoại trừ những tác động từ bên ngoài, cái chết là điểm kết thúc của sự lão hóa - thuật ngữ dùng để chỉ ra sự suy giảm các cơ bắp, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể, khiến các giác quan mất dần những đặc tính quan trọng theo độ tuổi.

Mặc dù hầu hết động vật đều có khả năng bị lão hóa dần theo năm tháng, vẫn có những trường hợp đặc biệt như loài cá sấu, khi chúng không chết vì già hay lão hóa sinh học. Thay vào đó, cá sấu tiếp tục phát triển và lớn lên cho đến khi một số yếu tố bên ngoài khiến chúng qua đời như bị bệnh dịch hay con người giết hại.


Cá sấu sinh sống mạnh trên các vùng đầm lầy, sông nước nhiệt đới ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, với tổng cộng 14 loài cá sấu khác nhau với đủ mọi kích cỡ và đặc tính hiện đang tồn tại trên thế giới từ cá sấu lùn nhỏ tới loài cá sấu nước mặn to lớn.

Theo ước tính, cá sấu có thể sống tới 70 năm trong tự nhiên, trong đó cá sấu nước mặn là loài sống lâu nhất. Cá sấu trong điều kiện nuôi nhốt thậm chí có thể đạt tới 100 tuổi. Khá thú vị, sự lão hóa dường như không hiện diện ở loài bò sát này khi một con cá sấu 70 tuổi sẽ chẳng khác nào 1 con cá sấu 7 tuổi khi xét về nhanh nhẹn, sức mạnh và một số chỉ số sinh học khác.

Theo một nghiên cứu của đại học Yale (Mỹ), bộ gene của loài cá sấu rất đặc biệt, cho phép các vi khuẩn cộng sinh tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm chậm lại quá trình lão hóa của loài bò sát này. Một nghiên cứu khác được tiến hành đã phát hiện ra rằng huyết thanh cá sấu có tác dụng ức chế tăng trưởng mạnh cũng như tác dụng 'gây độc' tế bào đối với các tế bào ung thư. Trong khi đó, vi khuẩn trong ruột cá sấu có thể hoạt động để ức chế sự sống sót của các tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, quá trình trao đổi chất của cá sấu diễn ra rất chậm, khiến chúng có thể tồn tại trong nhiều tháng mà không cần thức ăn. Điều này giúp cá sấu tồn tại khi thời tiết ở những vùng nhiệt đới trở nên khô hạn trong những tháng mùa hè. Một nghiên cứu từng được thực hiện cho thấy cá sấu thực sự có thể sống tới một năm mà không cần ăn. Chất béo trong cơ thể của loài bò sát này thực sự có thể cung cấp năng lượng cho chúng trong thời gian dài. Điều này là nhờ sự trao đổi chất tiến hóa cao của cá sấu.

Cùng với thân mình giống với những loài bò sát từng sống ở thời tiền sử, đây là lý do vì sao cá sấu trở thành vua trên những đầm lầy, sông nước khắp các vùng nhiệt đới. Tất nhiên, tuy sở hữu khả năng tồn tại vượt trội nhưng chính sự bành trướng của con người vào môi trường tự nhiên của cá sấu khiến loài động vật này dần bị suy giảm về số lượng trên khắp thế giới.

Cập nhật: 30/11/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video