Luồng hải lưu chảy từ Bắc Đại Tây Dương sang Bắc cực đang có nhiệt độ nóng nhất trong hơn 2000 năm qua, theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố.
Nhiệt độ nóng kỷ lục của luồng hải lưu chảy từ Bắc Đại Tây Dương sang Bắc cực đang đe dọa
cuộc sống của gấu Bắc cực, những sinh vật sống nhờ các tảng băng trôi.
Theo tờ Daily Mail, nước biển giữa khu vực Greenland và quần đảo Svalbard của Na Uy có nhiệt độ trung bình cao nhất 6 độ C trong những mùa hè gần đây, cao hơn nhiệt độ ở khu vực này vào thời kỳ La Mã cổ đại. Các nhà khoa học lo ngại, nhiệt độ ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đe dọa môi trường sống của gấu Bắc cực.
Ngoài ra, băng tan do nhiệt độ tăng cũng có thể khiến mực nước biển trên trên thế giới dâng cao theo. Điều này có thể dẫn tới một thảm họa môi trường trong tương lai không xa.
Một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Colorado ở bang Boulder (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu các sinh vật phù du và các chất cặn có niên đại cách đây 2.000 năm ở khu vực eo biển Fram – khu vực nối Đại Tây Dương với khu vực đảo Greenland và quần đảo Svalbard thuộc Bắc Cực.
Phân tích những sinh vật và vật chất này có thể giúp các nhà khoa học xác định được nhiệt độ nước biển ở khu vực này qua từng thời kỳ. Kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình của nước biển ở Bắc cực cách đây 150 năm trở về trước khoảng 3,4 độ C, trong khi đó nhiệt độ hiện nay lên tới 5,2 độ C. Vào một số mùa hè, nhiệt độ có thể tăng lên tới 6 độ C.
Nhóm nghiên cứu lo ngại, nhiệt độ ở Bắc cực ngày càng tăng sẽ trầm trọng hóa tình trạng ấm lên toàn cầu. Lí do là, băng ở Bắc Cực – có vai trò như một máy điều hòa giúp làm mát Trái đất - đang bị tan chảy vì nhiệt độ ở khu vực này tăng cao.