Biến gió thành điện?

Nhiều nước dự kiến đến 2010 năng lượng gió sẽ được "chế biến" bảo đảm cung cấp từ 10-20% nhu cầu điện của quốc gia. Việt Nam nằm sát biển với địa hình phong phú hưởng nhiều nguồn gió, liệu có thể xây dựng các nhà máy "phong điện" để tạo ra nguồn năng lượng giá rẻ và không gây ô nhiễm môi trường?

Từ năm 1998, Công ty CP năng lượng sạch ( CEJSC), có trụ sở chính ở Hà Nội đã lập một trạm khảo sát gió đầu tiên và đầy đủ tại bán đảo Phương Mai (Bình Định). Tháng 8/2000, CEJSC hoàn tất dự án lập nhà máy phong điện đầu tiên mang tên Phương Mai, đặt tại phía bắc bán đảo, giáp đầm Thị Nại và biển Đông cùng ngọn núi có đỉnh cao 609 m thuộc 2 xã Cát Hưng và Cát Tiến huyện Phù Cát.

Nhà máy có công suất ban đầu 15.000 kW, lựa chọn phương án sử dụng 20 tổ máy Jacobs 48/750 kW do Đức sản xuất để làm ra 49 triệu kWh/năm. Tổng số vốn đầu tư cho nhà máy dự kiến khoảng 13.755.000 USD, có tuổi thọ 20 năm, sẽ cho thu lãi ròng 18.691.000 USD. Ban chủ nhiệm dự án cho rằng dự án bảo đảm rất khả thi về tất cả các mặt kinh tế, kỹ thuật, môi trường, cảnh quan du lịch và tương lai có thể phát triển nhà máy với công suất cao hơn.

Từ kết quả nghiên cứu của CEJSC, năm 2002 một số nhà khoa học và doanh nghiệp ở Bình Định đã kế thừa dự án trên, hình thành nên Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai với tâm nguyện xây dựng nên một nhà máy phong điện đầu tiên có quy mô công nghiệp, hòa vào lưới điện quốc gia, mở đầu cho việc khai thác nguồn năng lượng gió phong phú của Bình Định cũng như của đất nước.

UBND tỉnh Bình Định đã ủng hộ, chỉ đạo các ban ngành giúp Công ty xúc tiến thực hiện một dự án hoàn toàn mới mẻ. Ông Nguyễn Hữu Phùng, Tổng giám đốc Công ty CP phong điện Phương Mai cho biết nhà máy này có thiết bị rất ít và gọn, việc đầu tư cơ sở hạ tầng không lớn so với nhà máy nhiệt điện và thủy điện, thời gian xây dựng tại hiện trường ngắn ( khoảng 1 năm ).

Ngày 14/10/2002 Công ty bắt đầu ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh, sau đó đã hoàn tất nghiệm thu việc đo vẽ hiện trạng mặt bằng. Sau đó đơn vị lần lượt hoàn tất các công việc hợp đồng dò tìm, xử lý bom mìn, thiết kế kỹ thuật hạng mục đường vào nhà máy và lựa chọn đơn vị thi công. Tháng 4/2005 đơn vị mới chuyển tiền giải phóng đền bù đợt 1, chuẩn bị chuyển đợt 2 và tiền sử dụng đất.

Sau đó bán đảo Phương Mai đã trở thành một phần của dự án Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Ngày 17/7/2005 UBND tỉnh Bình Định làm lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập KKT Nhơn Hội và tổ chức hội nghị đầu tư vào đây. Tại hội nghị, Công ty CP phong điện Phương Mai chính thức đăng ký tiếp tục đầy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy phong điện Phương Mai I với công suất 15 MW.

Thế nhưng ngày 19/7 (sau hội nghị 2 ngày), Công ty lại nhận được Quyết định số 1829/QĐ-CTUBND ký ngày 8/7/2005 về việc thu hồi đất đã giao để xây dựng nhà máy phong điện Phương Mai do quá thời gian giao đất nhưng chưa đầu tư xây dựng công trình.

Công ty Phương Mai sau đó đã có văn bản giải trình nhận thiếu sót trong việc thực hiện dự án quá chậm đồng thời xin được cho phép tiếp tục thực hiện dự án. Ngày 11/8/2005 tại cuộc họp với UBND tỉnh, HĐQT Công ty cho biết các đơn vị thành viên đã cam kết đóng góp đủ 30% vốn đối ứng để có thể ký kết hợp đồng mua thiết bị. Nhà cung cấp và ngân hàng nước ngoài bảo lãnh đã có văn bản cam kết về việc cho vay vốn trả chậm mua thiết bị với lãi suất 3,5%/năm, thời hạn trả trong 10 năm bắt đầu từ năm thứ tư. Đơn vị cũng đã ký được hợp đồng mua bán phát thải CO2 với tổ chức mua bán phát thải Asia Carbon International B.V. Nếu được UBND tỉnh cho tiếp tục dự án, Công ty sẽ khởi công công trình vào quý IV/2005 để đưa nhà máy vào vận hành vào quý I-II năm 2007.

Ngày 10/9/2005 Chi nhánh Thăng Long thuộc Ngân hàng Đầu tư-Phát triển đã có văn bản trả lời đồng ý tài trợ vốn đầu tư cho dự án phong điện nếu Công ty Phương Mai đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Theo đó, dự án đầu tư theo hình thức xây dựng- vận hành-kinh doanh (BOO) phải có nguồn vốn đối ứng 30%, hoàn trả chắc chắn từ khâu kinh doanh bán điện trong thời hạn không quá 10 năm và được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

Được biết tại khu vực bán đảo Phương Mai thuộc KKT Nhơn Hội, mới đây đã có thêm 3 doanh nghiệp là Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Phong điện miền Trung và Công ty đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (Cienco 8) đăng ký đầu tư xây dựng thêm 3 nhà máy phong điện, mỗi dự án cần diện tích từ 100-200 ha, công suất khoảng 50MW, vốn đầu tư 700-800 tỷ đồng. Việc chạy đua đầu tư vào vùng đất thuận lợi cho phong điện Phương Mai sẽ góp phần tăng hiệu quả cho KKT Nhơn Hội và vùng KTTĐ miền Trung. Hy vọng dự án của Công ty Phương Mai sẽ sớm được các cấp có thẩm quyền phê duyệt!

Theo VNECONOMY

Theo VnEconomy
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video